Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo là một người muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên và phải độc thân.
Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã có những trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Thưa ông, trên thực tế, khi mà chưa có luật cho phép chuyển đổi giới tính, đã có nhiều người muốn trở về đúng giới tính thật của mình họ đã phải ra nước ngoài thực hiện.
Hiện Bộ Y tế đang trong quá trình hoàn thiện Luật Chuyển đổi giới tính. Ông có thể nói rõ hơn về Luật Chuyển đổi giới tính?
- Một người muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân, đã kiểm tra tâm lý, có giới tính sinh học hoàn thiện.
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính, điều kiện của chuyên gia tâm lý, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện can thiệp y học chuyển đổi giới tính, hồ sơ xin được chuyển đổi giới tính…
Theo đó, cá nhân được yêu cầu can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ bốn điều kiện sau: Có giới tính sinh học hoàn thiện (giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể); được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân.
Để công nhận người chuyển đổi giới tính, dự thảo đưa ra ba phương án.
Phương án một: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên; thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án hai: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án ba: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Bộ Y tế đề nghị chọn phương án một và hai. Lý do là hai phương án này sẽ bảo đảm được lợi ích cho cả nhà nước, người muốn chuyển đổi giới tính và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Tại sao phải quy định người muốn chuyển giới phải độc thân? Điều này có hạn chế quyền lợi của người có nhu cầu, thưa ông?
- Mọi người cần phải hiểu rằng, người chuyển đổi giới tính “hiện đang không có vợ hoặc có chồng”, người chưa kết hôn hoặc người đã ly dị.
Bởi khi còn nằm trong quan hệ vợ chồng theo pháp luật, việc chuyển đổi giới tính sẽ đi ngược lại quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Việt Nam không cho phép kết hôn đồng tính, vợ là nữ, chồng là nam. Nam kết hôn với nữ và nữ kết hôn với nam, rất rõ ràng.
Nếu người chồng muốn chuyển thành nữ thì quan hệ vợ chồng sẽ là nữ - nữ (vợ - vợ) và ngược lại.
Ngoài ra, sự thay đổi này còn tác động đến vấn đề văn hóa.
Nếu cặp vợ chồng có con, khi cho phép chuyển giới, con chung của 2 người sẽ gọi người mới chuyển giới như thế nào cho phù hợp vì bố chuyển giới sang “mẹ” thì đứa trẻ biết gọi bằng gì? Ngay cả trên thế giới cũng không có nước nào cho chuyển đổi giới tính khi đang có vợ hoặc chồng.
Hiện đã có rất nhiều trường hợp tự ra nước ngoài để chuyển giới. Theo ông việc họ ra nước ngoài do Việt Nam chưa có luật hay do trình độ bác sĩ Việt Nam chưa đủ độ tin tưởng?
- Tại Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi giới do đó chưa đánh giá được trình độ bác sĩ. Những trường hợp ra nước ngoài phẫu thuật đều là tự đi.
Chi phí một quy trình chuyển giới hoàn chỉnh tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (phẫu thuật chuyển đổi giới tính, hỗ trợ tư vấn) khá cao, từ khoảng 30.000USD cho việc chuyển đổi từ nữ sang nam và khoảng 35.000USD cho việc chuyển đổi từ nam sang nữ.
Bộ Y tế đưa ra Dự thảo luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý để người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ nhận thức được đầy đủ, toàn diện về giới tính thật của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.
Người Việt Nam đã chuyển giới ở nước ngoài đang sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường, xách tay, hoặc qua người quen đã sử dụng truyền miệng lại, với giá cả và chất lượng không thể kiểm chứng.
Ngoài ra, người chuyển giới tại Việt Nam không được chuẩn bị về mặt tâm lý, tinh thần khi chuyển giới.
Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính mang lại cho họ những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam cũng đã có trường hợp phải chuyển đổi giới. Cụ thể, tại Bệnh viện Xanh Pôn HN đã thực hiện nhiều ca. Như vậy có sai không, thưa ông?
- Hiện nay, tại các bệnh viện trong nước đang làm cho những trường hợp hoàn thiện về giới tính.
Có 2 loại: Một loại là xác định lại giới tính (người đang còn trẻ, mới đẻ nhưng bộ phận sinh dục không biết nam hay nữ) đó là những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc lưỡng tính thì người ta làm lại là thành nữ hoặc nam.
Hoặc những người đã hoàn thiện giới tính sinh học thì suy nghĩ lại lệch dấu. Hiện nay đang làm cho những người đã hoàn thiện về giới tính.
Người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hormone thường xuyên trong suốt cuộc đời, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Trước khi chuyển đổi giới tính, các cá nhân cần tìm hiểu rõ giới tính mới để tránh trường hợp hối hận sau khi chuyển giới.
Xin cảm ơn ông!