Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tại Yên Bái Ảnh: Tuấn Dũng
Trước đó, ngày 26/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nam, 63 tuổi, trú tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly các chuyên gia Ấn Độ tại Yên Bái là ca bệnh 2857 đã được Bộ Y tế công bố chiều 27/4.
Ngày 28/4, đoàn công tác do GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Yên Bái sau khi địa phương này xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại khu cách ly.
Tính đến cuối ngày 28/4, tỉnh Yên Bái ghi nhận tổng số 5 ca dương tính SARS-CoV-2 (gồm 4 chuyên gia Ấn Độ được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1 nhân viên tại khách sạn nhiễm bệnh từ các chuyên gia này). Năm trường hợp này đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Tối 28/4, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 8 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Nam Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Giải trình tự gien
Ngày 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 (Bộ Y tế), cho biết, Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gien virus gây bệnh cho 4 chuyên gia Ấn Độ. Các nhà khoa học Việt Nam đang giải trình tự gien để xem chủng này là B1.1.7 hay chủng kép B1.617 nhằm tăng cường phòng vệ, có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị. Sức khỏe các các chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 hiện ổn định, chưa có ca nào phải thở máy.
Ông Kính nói: “Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao. Nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán”.
Về việc Ấn Độ đã tiêm vắc-xin cho nhiều người nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, ông Kính lý giải: “Thứ nhất, không có vắc-xin nào có khả năng bảo vệ 100%, tỷ lệ hơn 90% là lý tưởng...
Những vắc-xin này có trung hòa hay ngăn chặn được hết biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không là câu hỏi lớn cho ngành vắc-xin để theo dõi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, với biến thể nhanh chóng của virus có thể dẫn đến chống lại vắc-xin ban đầu, giống như cúm mỗi năm lại phải bổ sung một vắc-xin ngừa chủng mới”.