Bỏ việc với mức lương 15 triệu mỗi tháng, Bí thư Chi đoàn về mở trang trại nuôi con đặc sản mỗi năm thu hàng trăm triệu

Hải Hòa |

Đam mê làm nông nghiệp đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Phúc (34 tuổi) ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) từ bỏ công việc có mức lương cố định 15 triệu đồng/tháng để mở trang trại nuôi ốc và rươi.

Tận sâu trong con đường sình lầy cỏ mọc khó đi là khu trang trại nuôi ốc rộng hơn 1mẫu của anh Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Chi đoàn thôn An Lao, xã An Thanh.

Trước đây, khu trang trại vốn là đồng bỏ hoang. Năm 2020, anh Phúc vay ngân hàng 300 triệu đồng để biến hơn 1 mẫu ruộng này thành vùng nuôi ốc lớn nhất xã. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, từng giàn lưới, cây mướp trồng lấy bóng mát cho ốc tới đường dây điện… dưới bàn tay anh Phúc đã hình thành. Đây là một trong số ít mô hình nuôi ốc tiêu biểu của huyện Tứ Kỳ.

Từ 1,5 tạ ốc mẹ nhập ở Thái Nguyên, đến nay, trang trại của anh đã chủ động được nguồn hàng. Mỗi ngày ốc đẻ từ 0,5-1 kg trứng, một năm cho xuất bán hai lần ốc thịt. Anh còn bán ốc trứng với giá từ 800.000-1 triệu đồng/kg, ốc con từ 3-3,5 triệu đồng/vạn con.

Nhiều hộ nuôi ốc trong huyện cũng tìm về đây mua ốc giống, giá khoảng 4 triệu đồng/vạn con. Trừ chi phí đầu tư, mỗi tháng anh thu lãi 15 triệu đồng.

Anh Phúc tốt nghiệp ngành kỹ thuật mỏ Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, ra trường làm công việc bán hàng. Nhờ công việc này, anh đi nhiều nơi, gặp nhiều người và biết đến những mô hình nuôi ốc hay tại các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa...

Nhận thấy các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên có nhu cầu ốc hữu cơ lớn nên đầu năm 2020 anh quyết định chuyển nghề nuôi ốc. Anh Phúc tận dụng diện tích đất bỏ hoang gần nguồn nước sạch từ cống Sồi để xây dựng trang trại.

Bỏ việc với mức lương 15 triệu mỗi tháng, Bí thư Chi đoàn về mở trang trại nuôi con đặc sản mỗi năm thu hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Trang trại nuôi ốc và rươi của anh Phúc hiện không phải lo đầu ra.

Khu trang trại gồm 5 ao, chia thành các khu nuôi ốc đẻ, khu ươm ốc con, khu ốc thịt, ao ươm bèo và ao dự trữ nước sạch. Anh Phúc chủ động các phương án khi thời tiết thay đổi. Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, anh kỳ công bơm nước từ ao dự trữ sang ao chính để xả nước nóng đi.

Ngày mưa anh thả nước vôi trong để trung hòa độ pH trong ao, tránh độ pH tăng gây ra bệnh sưng vòi, thậm chí làm ốc chết. Anh Phúc ví nghề nuôi ốc như chăm con mọn bởi ban ngày cho ốc ăn và để ý vớt trứng ốc cho vào thùng ấp, buổi tối lại cần mẫn soi đèn đi vớt ốc bươu vàng.

Mất hai năm vừa học vừa làm, đến nay, anh Phúc đã thuần thục kỹ thuật nuôi ốc. Ngoài 1 mẫu nuôi ốc, anh Phúc vẫn chăm chút cho 3,8 mẫu rươi đã hình thành từ năm 2016 và đang phát triển tốt. Mỗi mùa nước rươi, thương lái đều gọi điện đặt hàng trước. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song mỗi năm anh Phúc vẫn thu lãi 300 triệu đồng từ rươi và có từ 3-4 thương lái là khách "ruột" tiêu thụ được từ 7-8 tạ ốc/năm.

Nhận thấy mô hình khởi nghiệp mới mẻ và thành công, Đoàn Thanh niên xã An Thanh đã đề xuất với Huyện đoàn Tứ Kỳ hỗ trợ anh Phúc vay vốn đầu tư vào mô hình nuôi ốc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại