Xuất thân là một kỹ sư chế tạo máy ở nước ngoài, anh Nguyễn Mạnh Khang (Phú Thọ) sau nhiều năm bôn ba đã quyết định trở về quê hương và phát triển nghề nuôi giun. Hiện tại, vợ chồng anh Khang đã có 3 trang trại nuôi giun, mỗi năm thu 4 tỷ đồng từ các hoạt động canh tác nông nghiệp sạch.
Ý tưởng nuôi giun được hình thành khi anh Mạnh Khang gặp một vài chuyên gia ở nước ngoài, họ có khuyên rằng: "Tại sao Việt Nam là nước nông nghiệp mà anh lại không làm giàu từ nông nghiệp, nếu như muốn làm nông nghiệp thành công thì cần phải can thiệp bằng mô hình khép kín và nên bắt đầu từ con giun đỏ", anh Khang cho biết.
TỪ VALI CHỨA 7KG ẤU TRÙNG
Năm 1997, anh Khang đã mang giun về Việt Nam bằng cách để trong vali 7kg bùn chứa ấu trùng. Từ đó, vợ chồng anh Khang, chị Đà (từng học ĐH Tài chính - kế toán) bắt đầu khởi nghiệp làm giàu từ phế thải nuôi giun.
Quy trình diễn ra như sau: giun ăn phế thải và tạo thành bã phế thải. Chất bã này trở thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Ngoài việc sử dụng nguồn thức ăn này để nuôi gà hoặc bón cây, vợ chồng anh chị cũng chế biến giun thành thực phẩm. Doanh thu đến từ việc bán tất cả các sản phẩm trên.
Chị Đà chia sẻ, khi đi thu gom phế thải như phân trâu, bò, gà, lợn hay rơm rạ đều bị nhiều người nói rằng bẩn hơn so với những công việc khác. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng việc thu gom phế thải này sẽ giúp bảo vệ được môi trường.
Không chỉ vậy, công việc thu gom phế thải còn giúp tận dụng được những thứ bỏ đi. Thông qua công nghệ sinh học, chúng được xử lý thành bùn để đưa vào chăn nuôi, rất tiết kiệm.
Chị Đà cho hay, chị đã từng đi Hàn Quốc và đã được thưởng thức món ăn chế biến từ giun. Đó thực sự là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, chỉ có điều tập quán của người dân ta chưa quen nên còn nghi ngại. Tuy nhiên ngày càng nhiều người được tiếp cận, thay đổi nhận thức, do đó các sản phẩm từ con giun tiêu thụ ngày thêm nhiều.
Năm 2003, chị Đà đã bắt đầu thực hiện mô hình nuôi giun quế khi thấy rằng thực trạng rác thải ở nông thôn đang là vấn đề nhức nhối, trong khi đó đây lại là nguyên liệu quan trọng trong chăn nuôi mà gia đình anh Khang, chị Đà đang cần.
Ban đầu sơ khai chỉ là một trang trại chưa đầy 100 m2, chị Đà cho biết cũng có lúc rơi vào trạng thái nản chí, vì nhận phải khá nhiều lời gièm pha từ những người xung quanh.
"Ban đầu chúng tôi chỉ có 20 triệu đồng làm vốn cho mô hình nuôi giun bằng phế thải này", chị Đà tiết lộ.
Khó khăn khi bắt đầu thực hiện mô hình đó là chị Đà chưa nắm rõ được điều kiện thời tiết thích hợp đối với loài giun quế, chưa biết cách xử lý chế phẩm khiến cho số lượng giun đang nuôi không phát triển và sinh sản.
"Trong các loại phân chúng tôi mua về bị nhiễm mặn, trước đó những vật nuôi được ăn tinh bột nên khi đào thảo ra phân sẽ gây ngộ độ axit làm ảnh hưởng tới sức khỏe của giun khiến giun không sinh sản", anh Khanh kể lại.
CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ TRONG NGHỀ NUÔI GIUN
Sau một thời gian tìm tòi và khắc phục những khó khăn, đến nay vợ chồng anh Khang đã tìm ra công nghệ đột phá là cho giun ăn chìm, mỗi tháng chỉ cần 1 lần. Không giống như cách cho ăn nổi 3 ngày/lần như trước mà giun vẫn đủ dinh dưỡng và sinh sản đều. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian và thức ăn cho giun.
Anh Khang cho biết, thông thường những người nuôi giun ở Việt Nam sẽ cho ăn nổi, phương pháp này gây ra sự lãng phí thời gian và thức ăn, giảm 50% năng suất vì con giun quế rất sợ ánh sáng nên trong 1 ngày sẽ chỉ ăn 12 tiếng. Nhưng nhờ vào công nghệ ăn chìm giúp giun có thể ăn 24/24.
Giun quế sau quá trình nuôi sẽ được xử lý làm phân vi sinh cao cấp, sơ chế thành mồi câu và làm các nguyên liệu chữa bệnh….
Bên cạnh đó, những bã thải sau khi được giun sử dụng hết chất mùn chúng lại được tận dụng trở thành giá thể tốt cho chăn nuôi và trồng trọt.
"Khi tôi nuôi được mô hình khép kín như hiện tại giúp giảm được chi phí từ 30 – 40% so với bình thường, số lượng ngan gà được bán ra trong một năm khá nhiều. Cụ thể, mỗi năm xuất bán khoảng 6.000 – 7.000 con gà và ngan từ 2.000 – 3.000 con", chị Đà tiết lộ.
Không chỉ tận dụng bã thải của giun trong chăn nuôi mà gia đình chị Đà còn mở rộng diện tích trồng rau sạch với hàng chục lao động.
Với tổng quy mô trang trại trên 4.000 m2, trang trại Mai Hiền của anh Khang, chị Đà đã giải quyết được nhiều việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 4 – 7 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ, doanh thu từ mô hình này đạt vài tỷ đồng/năm. Lợi nhuận bình quân của trang trại cũng đạt hàng chục triệu đồng/tháng.