Anh Phạm Văn Lĩnh ( chụp ảnh) và chị Phạm Thị Thơm (thợ trang điểm) quen và kết hôn tại Hà Nội được hơn chục năm, 2 vợ chồng đã từ bỏ studio cùng thu nhập khủng của mình và quyết tâm gây dựng cuộc sống mới ở Hà Giang để phụng dưỡng cha mẹ già và làm nông nghiệp.
Bỏ phố về quê phụng dưỡng bố mẹ chồng
Trước khi về quê ở xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), vợ chồng anh Lĩnh làm studio chụp ảnh ở Hà Nội. Hai vợ chồng gắn bó với công việc này cũng được hơn chục năm, với khoản thu nhập ở ngưỡng ổn định khoảng 50 – 60 triệu/tháng.
Tuy nhiên, hai vợ chồng lại quyết định bỏ phố về rừng, bởi gia đình anh Lĩnh có truyền thống về nông nghiệp và có một quỹ đất khá rộng, thuận lợi. Anh Lĩnh cũng có chút kiến thức và kinh nghiệm về nông nghiệp được bố mẹ truyền dạy từ bé.
Thêm nữa, bố mẹ anh chị cũng đã có tuổi, làm việc vất vả, công việc thì quá sức. Chính vì thế, anh Lĩnh cùng vợ muốn về Hà Giang để phụng dưỡng bố mẹ già. Sau hơn chục năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, 2 vợ chồng đã tích góp được một số vốn rồi cùng nhau về quê hương để gây dựng kinh tế.
Để đi đến được quyết định như ngày hôm nay, hai vợ chồng cũng phải ngồi thảo luận rồi bàn bạc rất nhiều lần. Bản thân chị Thơm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, không có am hiểu kinh nghiệm trong việc làm nông. Thêm nữa, công việc lúc đó ở Hà Nội của gia đình cũng ổn định và phát triển nên khi anh Lĩnh đề xuất với vợ việc bỏ phố về rừng, trong lòng chị Thơm đầy ắp những lo lắng và nỗi sợ không tên
"Cuộc sống ở Hà Nội thì có mẹ đẻ và chị gái tôi ở đấy. Đường đi về nhà bên ngoại cũng gần với studio nên ban đầu tôi cũng không mong muốn chuyển về đây, vì cái chính là mình không muốn xa bố mẹ. Bao nhiêu lâu nay mình không xa gia đình, bây giờ xa thì mình cảm thấy không an tâm".
Sau nhiều ngày cân đo đong đếm, chị Thơm đã quyết định cùng chồng về xây dựng sự nghiệp tại quê hương. Lúc đầu khi mới về Hà Giang, chị Thơm đối mặt rất nhiều khó khăn, công việc khác hoàn toàn với những gì chị đã từng làm trước đây.
Thời gian đầu bắt tay vào làm nông, chị Thơm gặp không ít khó khăn.
"Môi trường mình chưa kịp thích nghi, thêm vào đó là tính chất công việc thức khuya dậy sớm, cũng vất vả hơn nhiều nên phải cố gắng, thích nghi. Nhưng bây giờ ở quen rồi thì thấy rất thoải mái". Chị Thơm chia sẻ.
"Không chỉ vậy, môi trường ở nông thôn thì trong lành và rộng rãi ở Hà Nội hơn rất nhiều, điều kiện sống cũng hiện đại và tiện nghi không kém gì Hà Nội, thêm vào đó ở gần ông bà, có ông bà lo nên các cháu nhà tôi cũng rất vui vẻ và muốn gắn bó với cuộc sống ở nơi đây" - Đôi mắt của anh Lĩnh sáng lên niềm tự hào khi kể về cuộc sống của gia đình ở Hà Giang.
Kiếm tiền tỷ với "giấc mơ xanh" trên mảnh đất hoang
Hai vợ chồng chị Thơm và anh Lĩnh quyết định trở về lại nguồn cội Hà Giang để vun đắp "giấc mơ xanh" với việc trồng và phát triển cây ba kích. Ngoài công dụng tuyệt vời là cây dược liệu ra thì lý do mà hai vợ chồng chọn phát triển giống cây này còn là vì cây ba kích rất dễ sinh trưởng và lớn nhanh, thêm vào đó, thời tiết và khí hậu của Hà Giang cũng rất thuận lợi cho việc cho ra những giống cây khỏe.
"Hai vợ chồng tôi đang phát triển về trồng cây ba kích, trồng cây dược liệu. Hiện tại quỹ đất nhà tôi thì ông bà đang trồng một khối lượng lớn cây sơn. Tôi tìm hiểu rất nhiều trên mạng và tìm hiểu kiến thức về cây ba kích. Tôi thấy đây là một sự lựa chọn rất phù hợp khi trồng xen canh cây ba kích dưới tán cây sơn rất ổn. Vậy nên tôi quyết định về phát triển giống cây này", anh Lĩnh nói.
Anh Lĩnh cho biết: "Ba kích nhà tôi không dùng đến thuốc trừ sâu, cỏ là làm hoàn toàn bằng tay để cho sản lượng cao, hàm lượng trong ba kích đạt hiệu quả tốt nhất và đạt tiêu chuẩn tối đa. Có những đốm bị sâu bệnh thì cũng xử lí bằng phương pháp sinh học".
Không phụ sự kì vọng của hai vợ chồng, cây ba kích và công việc làm nông đã giúp cho gia đình anh Thơm, chị Lĩnh bước sang trang mới cuộc đời.
"12 vạn gốc trên 2 ha sau 4 năm dự kiến cho thu hoạch khoảng 60 – 70 tấn. Tính theo giá của nhà máy thu mua hiện tại thì rơi vào khoảng 6 – 7 tỷ. Hiện tại vườn cây ba kích nhà tôi đã trồng được hơn 3 năm rồi chỉ còn gần 1 năm nữa thôi là đến tuổi thu hoạch. Khi ấy thì nhà máy sẽ tới thu mua trực tiếp".
Bà Nguyễn Thị Liên, chủ tịch UBND xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cho biết, chính quyền địa phương rất ủng hộ những người thanh niên trẻ như anh Lĩnh về quê lập nghiệp và phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ rất nhiều, cụ thể là về vấn đề kỹ thuật nông nghiêp và vay vốn. Xã cũng mong sẽ có nhiều người trẻ về quê lập nghiệp để phát triển làm giàu cho quê hương nhiều hơn.
Sau nhiều năm bỏ phố về quê, nhìn ngắm thành quả mà vợ chồng dày công chăm bón, chị Thơm cho biết không hối tiếc khi theo chồng về đây:"Vợ chồng tôi cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, vừa được làm công việc yêu thích vừa có thời gian bên ông bà và các con. Về đây trải nghiệm rồi mới thấy quyết định của chồng là đúng".