Theo đó, sau khi có công điện khẩn của UBND tỉnh, thay vì dừng đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vào tối 4/11 thì cuộc thi vẫn được tổ chức.
Trước sự bất bình của dư luận, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã giải thích rằng, “ngay sau đó Sở đã mời BTC cuộc thi đến họp.
Dù BTC có trình bày những khó khăn họ gặp phải nhưng Sở vẫn chỉ đạo dừng vì đây có thể là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ Khánh Hòa. Tuy nhiên, BTC cuộc thi vẫn tự ý tổ chức”.
Bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam diễn ra đúng tâm bão đã gây nên sự phản ứng dữ dội của người dân
Ông Trần Ngọc Nhật - đồng Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thừa nhận: “BTC cuộc thi đã nhận được thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đề nghị tạm dừng công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí trước và trong thời gian mưa bão để tập trung các công tác phòng chống bão lụt.
Sau khi nhận được thông tin trên, BTC cuộc thi đã chấp hành chỉ đạo trên đồng thời hủy bỏ các hoạt động vào ngày 3/11 và sáng ngày 4/11...
Tuy nhiên, chiều 4/11, thời tiết đã trở lại bình thường không còn mưa gió, không còn ảnh hưởng đến các công tác tổ chức cuộc thi, sân khấu chính Crown Center không bị ảnh hưởng sau bão, vì thế BTC quyết định phương án vẫn sẽ tiếp tục tổ chức đêm thi Bán kết.
Đây hoàn toàn là quyết định đến từ BTC cuộc thi sau khi cân nhắc các điều kiện tổ chức...”.
Trả lời về việc có sự đùn đẩy trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa hay không, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho rằng: “Sở Văn hóa và Thể thao nói đã yêu cầu BTC dừng nhưng có văn bản chỉ đạo không hay là chỉ đạo miệng?
Nếu không có văn bản thì đứng về mặt quản lý nhà nước là chưa đúng”, ông Nguyễn Thái Bình nói.
Cùng với đó, Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL cũng cung cấp cho phóng viên văn bản Thông tư Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu.
Trong đó, t ại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư nêu rõ: “Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao trả lời bằng văn bản cho đối tượng thông báo (Mẫu số 02) và chỉ được quyền từ chối trong các trường hợp có quốc tang; thiên tai; dịch bệnh hoặc tình hình an ninh, chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương”.
Theo ông Nguyễn Thái Bình thì “trên cơ sở từ công điện khẩn của UBND tỉnh thì với chức năng của mình, Sở Văn hóa và Thể thao hoàn toàn có quyền ra quyết định yêu cầu BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam dừng tổ chức đêm bán kết”.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên
Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng khẳng định: “Sở Văn hóa và Thể thao đã thiếu sự nhạy bén trong xử lý tình huống, dẫn đến dư luận không tốt sau đêm diễn.
Chỉ đạo của tỉnh là rất kịp thời, nhưng triển khai từ Sở thì sao? Cái này Bộ cũng đã có văn bản đề nghị làm rõ trách nghiệm của các bên. Nếu Sở tiếp nhận chỉ đạo của tỉnh mà ra văn bản dừng cuộc thi thì sẽ tránh được sự phản cảm sau đó”.
Khi chúng tôi hỏi, nếu quy trách nhiệm trong câu chuyện này thì lỗi thuộc về BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hay Sở Văn hóa và Thể thao? Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng: “Theo thông tin cho đến giờ phút này thì về mặt văn bản, mới chỉ có công điện của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị dừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật để tập trung đối phó với bão.
Nếu Sở không ra văn bản chỉ đạo thì trách nhiệm thuộc về Sở. Cái này Sở phải rút kinh nghiệm.
Vì bão tan nhưng thiệt hại sau bão mới là vấn đề lớn và khó lường. Những con số thương vong về người và tài sản sau đó mới gây phản cảm chứ không chỉ vì chương trình diễn ra đúng nơi bị bão. Ở góc độ quản lý văn hóa như thế là thiếu nhạy bén.
Vì với chức năng, quyền hạn được quy định trong Thông tư, chính Sở phải đề xuất với tỉnh cho dừng chứ không phải đợi đến chỉ đạo của tỉnh”.
Dư luận cũng đặt câu hỏi với BTC cuộc thi Hoa hậu Biển toàn cầu khi vẫn tổ chức họp báo và có nhiều sự tham gia của các hoa hậu, người đẹp trong khi cả nước đang hướng đến các tỉnh bị bão lũ
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng, Bộ VH,TT&DL cũng chậm trễ khi mà đêm bán kết tổ chức tối 4/11 nhưng đến ngày 7/11 Bộ mới ra văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn “tạm hoãn triển khai các phần thi trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 cho đến thời điểm khắc phục xong hậu quả thiên tai, mưa lũ”.
Cùng với đó, sau đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, ngày 5/11, một cuộc họp báo hoành tráng của cuộc thi Hoa hậu Biển toàn cầu vẫn diễn ra với sự tham dự của nhiều người đẹp, khi mà cuộc sống của người dân với cảnh màn trời chiếu đất đang rất cần họ chung tay.
Nhiều ý kiến so sánh với nền giải trí Hàn Quốc, rằng các ngôi sao nước này đã từng chia sẻ mất mát với người dân do thiên tai bằng cách hủy tất cả các hoạt động của mình để tham gia công tác cứu trợ.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với Thứ trưởng Vương Duy Biên rằng: “Như ông vừa nói, người làm quản lý văn hóa cần phải nhạy bén nên sẽ rất kịp thời nếu Bộ VH,TT&DL ra văn bản đề nghị BTC cuộc thi Hoa hậu Biển toàn cầu lùi thời điểm họp báo.
Nhưng rất tiếc là buổi họp báo vẫn diễn ra, để rồi dư luận sau đó lại thêm ác cảm với các người đẹp...”.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng: “Việc ra văn bản đề nghị BTC không họp báo là cứng nhắc. Tuy nhiên, lẽ ra BTC nên biến cuộc họp báo thành nơi chia sẻ, vận động mọi người chung tay góp sức với địa phương vừa diễn ra thiên tai thì sẽ đẹp hơn”.