Sáng nay (23-5), trong cuộc giao ban báo chí tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã thông tin về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (TP Đà Nẵng) gây dư luận nhiều chiều thời gian qua.
Quy hoạch Sơn Trà đúng trình tự
Theo Bộ này, thời gian bắt đầu lập quy hoạch là từ tháng 12-2013. Trước thời điểm lập quy hoạch, TP Đà Nẵng đã chấp thuận đầu tư cho 25 dự án tại bán đảo, trong đó có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Trong số 18 dự án này có 11 dự án đã được phê duyệt đầu tư với quy mô 5.049 phòng lưu trú.
Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng cùng 11 bộ, ngành liên quan.
“Các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo quy hoạch. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành và UBND TP Đà Nẵng, Bộ đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện đề án quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt.
Như vậy, quy hoạch đã được lập, trình phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật Du lịch, quy định của pháp luật có liên quan…”- Bộ VH-TT&DL, cho biết.
Một dự án nghỉ dưỡng bỏ hoang nhiều năm tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NGUYỄN TRI.
Theo Bộ VH-TT&DL, phạm vi ranh giới được quy hoạch cho phép triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là 1.056 ha.
Quan điểm phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch văn hoá-tâm linh, gắn với mục tiêu bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Quy mô của hệ thống cơ sở lưu trú được tính toán dựa trên dự báo nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng của thị trường cao cấp và cân nhắc về mức độ tác động tới môi trường từ hoạt động du lịch.
Về quy mô phòng lưu trí, phương án quy hoạch đề xuất giảm quy mô lưu trú từ 5.049 phòng xuống chỉ còn 1.600 phòng.
Cũng theo Bộ VH-TT&DL, ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình lập quy hoạch, vấn đề bảo tồn và phát triển đã được đặt ra, đòi hỏi giải quyết thấu đáo.
Không có quy hoạch sẽ không dừng lại ở 5.049 phòng
Về ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Tổng Cục du lịch cho hay, ý kiến này không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu lập quy hoạch.
Qua xem xét, đánh giá về quy mô phát triển, mức độ tác động tới môi trường, cảnh quan tự nhiên, giải pháp hợp lý là điều chỉnh cấu trúc không gian du lịch, kết hợp với việc kiểm soát quy mô hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú như đã nêu trong quy hoạch được phê duyệt để đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.
“Hơn nữa, nếu không có quy hoạch này, quy mô phòng lưu trú tại Sơn Trà sẽ không chỉ dừng lại ở con số 5.049 phòng mà có thể sẽ cao hơn nữa”- Bộ VH-TT&DL giải trình.
Sẽ lấy ý kiến các nhà chuyên môn
Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc ban hành quy hoạch này nhằm quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà.
Quy hoạch này chỉ xác định quy mô phát triển của các khu chức năng, hệ thống cơ sở lưu trú và là căn cứ pháp lý quan trọng để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, quy mô các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt là giảm quy mô phòng lưu trú xuống còn 1.600 phòng tại bán đảo Sơn Trà.
Toàn bộ các khu chức năng đề xuất trong quy hoạch nằm trong phạm vi các khu vực có một số dự án đã triển khai, không phát sinh các khu vực đề xuất mới.
Trong quá trình lập quy hoạch, việc đề xuất các khu vực và quy mô phát triển đã được Bộ thực hiện một cách cẩn trọng, khách quan.
Chủ tịch TP Đà Nẵng đi kiểm tra thực tế hiện trường dự án Công ty cổ phần biển Tiên Sa. Ảnh: LÊ PHI.
Trả lời Pháp Luật TP HCM, ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch), cho biết: "Khi chúng tôi nghiên cứu quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà thì phải đối mặt với thách thức là Đà Nẵng trước đó đã phê duyệt hàng loạt dự án, với quy mô 5.049 phòng nghỉ.
Qua nhiều lượt trao đổi, bàn bạc, hội đồng tư vấn của Bộ đưa về mức hơn 2.000 phòng. Tiếp tục bàn, lắng nghe ý kiến các đơn vị tự vấn, mới thống nhất được con số 1.600 phòng".
Về việc có thể giảm số lượng phòng nữa không theo ông Tuấn thì "thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng, chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến các nhà chuyên môn.
Việc điều chỉnh quy hoạch, giảm phòng nếu có thì cũng phải được nghiên cứu một cách khoa học, bài bản".