Bộ VH-TT-DL nói gì về việc hàng loạt sắc phong được rao bán tại Trung Quốc?

Yến Anh |

Liên quan đến việc hàng loạt sắc phong được rao bán tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương cho biết Bộ VH-TT-DL đã gửi công văn đến 8 địa phương để xác minh thông tin.

Trang web của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh (Shanghai Yangming Auction Co., Ltd) vừa đăng tải thông tin về phiên đấu giá cổ vật "Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm".

Bộ VH-TT-DL nói gì về việc hàng loạt sắc phong được rao bán tại Trung Quốc? - Ảnh 1.

Các sắc phong được Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh đem ra đấu giá có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Ảnh: Fb Trần Ngọc Đông

Phiên đấu giá này dự kiến sẽ đấu giá 672 món cổ vật (từ số thứ tự 2001 đến số thứ tự 2672), đa phần là bằng chất liệu giấy. 12 sắc phong của Việt Nam niên đại thời Lê và Nguyễn, có số thứ tự từ 2243 đến số thứ tự 2254, sẽ được đem ra đấu giá tại phiên này. Trong số 12 sắc phong có các sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định...

Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh thông báo Phiên đấu giá cổ vật trên sẽ bắt đầu lúc 9 giờ 30 ngày 22-4-2023 tại khách sạn Thượng Hải Majesty Plaza, Ký hiệu Phiên đấu giá là S23041.

Trước việc hàng loạt sắc phong được rao bán tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương cho biết Bộ này đã nắm được thông tin và đang giao cho cơ quan chuyên môn tìm hiểu sự việc để đưa ra phương án phù hợp với quy định của pháp luật. Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo Cục Di sản Văn hóa gửi công văn cho 8 địa phương để xác minh thông tin.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết thêm Bộ VH-TT-DL sẽ có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Lãnh sự ở Thượng Hải (Trung Quốc) xác minh thêm thông tin, từ đó có các giải pháp tiếp theo.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 12-4, ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết xã Dị Nậu có văn bản gửi UBND huyện Tam Nông, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Nông báo cáo về việc sắc phong của di tích lịch sử Quốc gia Đền Quốc tế bị rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc.

Báo cáo nêu rõ ngày 11-4, trên nhóm Facebook "Làng Việt xưa và nay" có bài viết của tác giả Trần Ngọc Đông thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, nhân dân trong địa phương.

Tác giả bài viết bày tỏ sự đau xót khi sắc phong của Đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Sản phẩm được bán với hình thức đấu giá vào ngày 22-4-2023, với giá khởi điểm từ 2.800-3.500 Nhân dân tệ (tương đương 10-12 triệu đồng).

Văn bản của xã Dị Nậu bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra giúp xã Dị Nậu sớm nhận tìm ra, nhận lại được số sắc phong đã bị mất.

Đền Quốc tế, còn gọi là Đền Thượng nằm trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, được công nhận là "Di tích lịch sử văn hóa" cấp Quốc gia từ năm 1992. Đền còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong… phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê.

Đáng chú ý là kiệu bát cống với kỹ thuật đục bong, chạm nổi, chạm thủng điêu luyện, đường nét tinh tế, được sơn son, thếp vàng.

Ngoài ra, còn có các sắc phong của các triều đại cho các đức Thánh Thần, trong đó sắc phong cổ nhất còn giữ được là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) đã tấn phong cho ngài Cao Sơn "Linh ứng đại vương" vào ngày 17-7 năm Ất Dậu (1645).

Tháng 5-2021, Đền Quốc tế đã bị kẻ trộm đột nhập và dùng xà beng phá két sắt, sau đó lấy đi 40 sắc phong và nhiều sách cổ. Đây đều là những cổ vật có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại