Tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam (gọi tắt là Hãng phim truyện Việt Nam - VFS) đã tiến hành cổ phần hóa.
Hãng phim được định giá 50 tỉ đồng vốn điều lệ và bán 3,25 triệu cổ phần (tức 65%) tương đương 32,5 tỉ đồng cho Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), nhà nước chỉ giữ 20%.
Bên ngoài Hãng phim truyện Việt Nam.
Nhiều người trong và ngoài giới làm phim băn khoăn vì hãng phim “anh cả đỏ” của nhà nước sở hữu cả khu "đất vàng” ở đường Thụy Khuê có diện tích lên tới 5.000 m2 nằm ven Hồ Tây, ngoài ra còn có các khu đất ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) và đường Thái Văn Lung (TP.HCM) lại được “bán” vơi giá “bèo” như vậy.
Ngoài ra, Vivaso còn là công ty chưa từng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và đang làm ăn thua lỗ.
Thêm nữa, trong thông báo, sau khi cổ phần, hãng phim còn có thêm nhiều hoạt động khác như kinh doanh nhà hàng, nhập khẩu các mặt hàng…
Chiều 5/5, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức cuộc gặp mặt với báo chí nhằm nói rõ về quy trình thủ tục cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, câu chuyện đang gây chú ý dư luận thời gian gần đây.
Cổ phần còn hơn là chết
Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) – đạo diễn Vương Đức cho biết, Hãng phim truyện VN được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập và là cái nôi điện ảnh của cả nước.
“Mà bây giờ chúng tôi thấy như là chúng tôi bị bỏ rơi, cá nhân tôi rất đau xót, tủi thân vì điều ấy”, ông Vương Đức nói.
Vị đạo diễn này cũng chia sẻ thêm, khi hãng phim cổ phần hóa và ông được bổ nhiệm làm giám đốc, ông đã xin Vụ Tổ chức cán bộ không gọi ông là Tổng giám đốc mà là giám đốc.
“Thời điểm ấy tôi còn nói, một trong những sai lầm lớn nhất của đời tôi là làm giám đốc. Nhưng khi làm rồi tôi cố gắng hết sức, làm sao cùng anh em vượt qua khó khăn.
Khi Nhà nước yêu cầu cổ phần hóa, tôi tuân thủ yêu cầu của Bộ thực hiện nghiêm túc. Tôi động viên anh em, những gì không hiểu về cổ phần tôi dựa vào nhà đầu tư, luật sự, bạn bè...”, ông Vương Đức nói thêm.
Dù đau xót khi hãng phim cổ phần, nhưng ông Vương Đức khẳng định: “Khi nghiên cứu tôi nhận ra một điều cổ phần còn hơn là chết, ôm nhau ra Hồ Tây chết với những ước mơ, khát vọng.
Trong trường hợp ấy không nên chết, không nên tự sát mà nên cổ phần. 100% nhân viên đồng ý phương án cổ phần hóa Bộ phê duyệt. Chọn nhà đầu tư chiến lược 6/7 người đồng ý Công ty vận tải thủy”.
“Cổ phần không có nghĩa chúng tôi phải đi lái đường thủy. Tuy nhiên, có nhiều tin đồn khiến chúng tôi khó khăn trong việc triển khai cổ phần hóa của mình”, ông nói.
Hình ảnh trong buổi họp báo chiều 5/5.
“Đất vàng” chỉ là đất thuê
Việc Vivaso – một doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy mua VFS với việc nắm giữ 65% cố phần, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Luật Doanh nghiệp hiện nay cho phép doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Nên một công ty kinh doanh vận tải thủy như Vivaso mua hãng phim là hợp pháp. Đơn vị này hoàn toàn có thể thuê người để quản lý việc sản xuất phim”.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định, cổ phần hóa là chấp nhận những luồng dư luận: “Chúng tôi rất thận trọng trong việc cổ phần hóa lĩnh vực điện ảnh.
Cổ phần hóa là chấp nhận những luồng dư luận. Tuy nhiên, không cổ phần hóa thì VFS chỉ còn cách phá sản. Để thương hiệu của cả một ngành điện ảnh Việt phá sản thì đau lòng lắm”.
Vì thế theo ông, để đảm bảo Vivaso vận hành VFS đúng chức năng là một hãng phim truyện, Bộ VH,TT&DL đã đặt ra các điều kiện ràng buộc.
Nhà đầu tư chiến lược đã phải cam kết 7 điều khoản: 90% doanh thu phải từ hoạt động sản xuất phim, dịch vu làm phim; trả các khoản nợ, tiền thuê đất; xây dựng cơ sở vật chất làm phim; sử dụng đất phục vụ sản xuất phim; sử dụng toàn bộ lực lượng lao động của hãng phim có nhu cầu làm việc, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ; sử dụng toàn bộ số tiền bán cổ phiếu để cho hoạt động điện ảnh...
Điều khoản cuối cùng là 3 người của nhà nước sẽ được giữ 3 vị trí quan trọng như thành viên của hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và ban kiểm soát.
Thứ tưởng nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư chiến lược vi phạm cam kết, không làm phim nào thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi định giá hãng phim, có tính giá trị đất đai và quyền sử dụng đất của VFS hay không, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Trước kia có tính giá trị đất đai khi định giá các công ty, nhưng khi tính vào thì giá trị cổ phần hóa cao quá, không ai mua.
Do đó sau này, Chính phủ đã ban hành nghị định không tính giá trị đất đai khi tiến hành định giá để cổ phần hóa".
Ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa VFS, thuộc Bộ VH,TT&DL cho biết thêm: "Khu đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS đang thuê thuộc quy hoạch khu chính trị Ba Đình chưa được phép xây dựng mà chỉ có thể sửa chữa nâng cấp nên nói Vivaso mua VFS chỉ vì mảnh đất “vàng” này là không có căn cứ”.
Ngoài ra, Nghị định 59 của Chính phủ thì quá trình xác định giá trị doanh nghiệp sẽ không được tính tiền đất bởi quyền sở hữu đất không thuộc VFS mà thuộc về Nhà nước, hãng chỉ thuê để sử dụng.
“Nếu Vivaso làm sai cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại. Nếu đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ hoàn toàn có thể gửi ý kiến lên thành phố để thu hồi lại đất", ông Trần Hoàng nói.