Bố và ông ra sân hút thuốc rồi mới vào nhà, con nguy kịch: Mẹ Việt phẫn nộ

Thảo Nguyên |

Đứa con thân yêu bị phổi đổi màu, viêm phổi tái đi tái lại thậm chí có thể đột tử, dù rằng bố và ông của bé hút thuốc lá ở bên ngoài rồi mới vào nhà.

Phổi đổi màu vì "hút ké"

Chỉ trong ít ngày nay, chia sẻ của facebook Anne Nguyen đã được hàng chục nghìn lượt chia sẻ vì câu chuyện vừa đáng sợ, vừa bức xúc mà chị và con mình đã trải qua. 

"Con tôi bị ho biến chuyển rất nhanh chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi có tiếng rít. Khi đưa vào cấp cứu do con lên cơn khó thở, thì nồng độ oxy máu thấp quá. 

Bác sĩ đã nói để con chịu khổ vì cơn khó thở, nguy hiểm tính mạng. Sau 3 ngày con đỡ nhiều nhưng khi khám lại bác sĩ nói phổi con vẫn còn chưa ổn, vẫn tiếp tục kháng sinh để dứt điểm.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói tới ở đây không phải về vấn đề con bị ốm mà là nguyên nhân con ốm. Bác sĩ nói thời tiết và môi trường bây giờ khắc nghiệt nên con dễ ốm hơn. Nhưng có một nguyên nhân sâu sa hơn cả mà bác sĩ nhắc tới đó là khói thuốc lá. 

Và bác sĩ chắc chắn đối với 1 đứa trẻ đề kháng kém đã từng viêm tiểu phế quản như con thì hơi khói thuốc chính là nguyên nhân kinh khủng nhất.

Khi bác sĩ hỏi "nhà có ai hút thuốc không?", tôi đã nói có ông trẻ và bố cháu. Nhưng cháu rất ít tiếp xúc và khi hút thuốc mọi người đều tránh cháu, ra ngoài hút xong mới vào".

Bố và ông ra sân hút thuốc rồi mới vào nhà, con nguy kịch: Mẹ Việt phẫn nộ - Ảnh 1.

Rất nhiều người có cảnh ngộ tương tự khi ông nội, ngoại hoặc bố của các bé hút thuốc.

Bác sĩ lắc đầu và nói: "Chị có biết mặc dù gia đình chị đã có ý thức bảo vệ con nhưng vẫn rất nông cạn không? Chị có biết người hút thuốc lá họ hít sâu hơi thuốc ấy vào trong phổi của họ, khói thuốc bay lên và tan đi là cái mà chị nhìn thấy còn hơi thuốc nồng đậm phả ra dần qua hơi thở của người hút thuốc nguy hiểm như thế nào không.

Trẻ hấp thu hơi/khói thuốc thụ động nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc. Bên này tôi dẫn chị đi xem một cháu bé nằm điều trị viêm phổi cấp đã hai tuần chưa được ra viện, phổi chuyển màu vì hít hơi thuốc thụ động từ ông nội. Họ cũng nói khi hút thuốc thì ông ra sân, hút xong mới vào…"

Anne Nguyen không giấu được sự bức xúc: "Tôi tin, tôi luôn tin thuốc lá độc hại như vậy và tôi thương con tôi, thương những đứa trẻ giống như con tôi, bản than chúng không thể tự bảo vệ mình, ngay cả tôi tôi cũng cảm thấy quay cuồng vì chưa thể bảo vệ con tốt nhất. 

Tôi chỉ muốn nói những người đang cầm điều thuốc trên tay, ngậm điếu thuốc trên môi họ đang thu ngắn quãng đường đời của họ là vì họ ích kỷ nhưng họ lấy quyền gì cho phép mình bào mòn cuộc đời của những người khác, những người ấy có thể là bố mẹ, là vợ, là những đứa con của chính họ.

Đừng đổ lỗi vì hoàn cảnh, vì khó khăn, vì cô đơn, vì bất mãn mà ai đó phải tìm tới khói thuốc để quên đi hãy nhìn thẳng và chấp nhận mình là kẻ kém cỏi, không có nghị lực nếu cứ mãi biện minh. Bởi nếu bạn không bắt đầu mà chỉ đứng đó đốt thuốc thì mọi việc vẫn không giải quyết được. 

Thế nên, bạn thực sự không thấy lo sợ trước những cảnh báo về tác hại thuốc lá cho bản thân mình nhưng trên tất cả vì tương lai của những đứa con thơ, hãy từ bỏ thuốc lá".

Đủ nguy cơ bệnh 

Bố và ông ra sân hút thuốc rồi mới vào nhà, con nguy kịch: Mẹ Việt phẫn nộ - Ảnh 2.

PGS.TS Phan Thu Phương

Trao đổi về tác hại của khói thuốc, PGS.TS Phan Thu Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết khói thuốc lá là nguyên nhân cướp đi 6 triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới. Một người hút thuốc lá có thể mất từ 15-20 năm cuộc sống của mình. 

Hút thuốc lá gây ra hàng loạt các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu, ung thư phổi và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.

Các chất độc điển hình có trong khói thuốc lá như: Nitrosamines (một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong thuốc lá), axeton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluen (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)…".

Khói thuốc lá không chỉ nguy hại đến sức khỏe người hút mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của những người hít phải khói thuốc. 

PGS Phương khuyến cáo: "Hút thuốc thụ động, tức là những người hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.

Với người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non ở phụ nữ có thai. Còn đối với trẻ nhỏ, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác, trong đó có ung thư phổi".

Đặc biệt, khói thuốc lá chính là lý do tại sao nhiều trẻ em bị bệnh viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, trí tuệ... không chỉ theo từng giai đoạn mà kéo dài suốt cả cuộc đời.

PGS Phương cho biết khi một điếu thuốc đốt lên sẽ có 4 luồng khói thuốc. Trong đó luồng khói bay ở đầu điếu thuốc cực độc vì nó đốt cháy trực tiếp ở môi trường, luồng khói thứ hai đó là luồng người hút thuốc hút trực tiếp vào phổi của họ, luồng khói thứ ba là họ hút vào và thở ra

Thứ 4 là luồng khói người hút thở ra kết hợp với các hạt từ đầu điếu thuốc vảng vất rất lâu trong không khí. Luồng khói này có kích thước hạt nhỏ, kích thước này có khả năng thâm nhập sâu vào trong phổi và phế nang của người hít phải. Đây là luồng tác hại cực kỳ nguy hiểm cho những người xung quanh. 

Chính vì thế, PGS Phương nhấn mạnh người hút thuốc lá thụ động chịu luôn 3 luồng khói thuốc thay vì người hút chính chỉ hút vào phổi của họ luồng khói thứ hai.

PGS Phương cho biết thêm khi đã hút thuốc bên ngoài rồi về thì chưa có nghiên cứu nào về hơi thở còn hơi thuốc lá gây hại cả, mà thực tế sau hút theo thời gian thì hơi thuốc phải phôi phai đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại