Câu chuyện dưới đây là chia sẻ của Lý Minh (30 tuổi), hiện đang sinh sống và làm việc tại Giang Tô, Trung Quốc.
Tôi là nhân viên của một công ty bình thường. Gia đình tôi không giàu có nhưng cuộc sống của chúng tôi tương đối hạnh phúc. Tuy nhiên, cách đây một tháng, bố tôi bất ngờ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tin này thực sự khiến cả nhà tôi bị suy sụp.
Một ngày nọ, khi tôi đang ở trog bệnh viện chăm bố thì nhận được một cuộc điện thoại lạ. Đầu bên kia điện thoại, một giọng nói vừa quen vừa xa lạ vang lên: "Tiểu Minh, chú là Lý Nam, em trai của bố cháu. Nghe nói bố cháu bị bệnh, chú có thể đến thăm không?".
Tôi bất ngờ khi nghe thấy giọng nói của chú. Ông ấy và bố tôi đã cắt đứt mối quan hệ suốt 10 năm nay. Hai gia đình không còn liên lạc với nhau nữa. Bây giờ, sự xuất hiện đột ngột của chú làm tôi ngạc nhiên.
Không lâu sau, Chú Nam đến bệnh viện, trên tay cầm một chiếc chăn bông cũ. Ông bước đến bên giường bố tôi, nhẹ nhàng nói: "Anh ơi, em biết anh luôn nhớ đến em, em cũng rất hối hận về chuyện năm đó. Chiếc chăn này là mẹ để lại, em giữ lại, bây giờ đưa cho anh." Bố tôi không đáp lại lời chú. Có lẽ vì thế, chú không nán lại lâu mà vội vã trở về.
Nhìn chiếc chăn cũ, tôi không kìm nén được sự tức giận. Trước đây hai người xích mích vì chuyện chia tài sản ông bà tôi để lại. Cũng vì thế, mối quan hệ ngày càng trở nên tệ đi. Hiện tại, bố tôi không còn nhiều thời gian, vậy mà chú còn đến với một chiếc chăn cũ. Nếu như vậy thì thà đừng đến còn hơn.
Sau khi chú ra về, tôi mang chiếc chăn cũ đó cho một người công nhân vệ sinh ở bệnh viện. Dù sao nhà tôi cũng không thiếu thốn, không cần thiết phải dùng đến chiếc chăn đó. Người lao công cầm chăn rời đi với vẻ mặt biết ơn. Tuy nhiên, không lâu sau, bác ấy quay lại với gương mặt hoảng sợ, dúi chiếc chăn bông vào tay tôi: "Anh bạn trẻ, mau lấy lại chiếc chăn này đi, bên trong có thứ gì đó!"
Tôi nghi ngờ tháo lớp vỏ chăn, trong đó có một tấm thẻ ngân hàng và một lá thư. Trong thư viết: "Anh, em biết anh vẫn hiểu lầm em. Nhưng thực tâm, em thật sự hối hận chuyện năm đó. Chiếc chăn này là mẹ để lại, trước khi qua đời, mẹ dặn hai anh em mình nhất định phải đùm bọc lấy nhau. Trong thẻ này có 100.000 NDT (gần 350 triệu đồng), đây là số tiền em tiết kiệm được trong nhiều năm qua. Em hy vọng nó có thể giúp anh vượt qua thời điểm khó khăn này."
Nhìn dòng chữ viết trên thư, tôi bật khóc. Hoá ra chú vẫn âm thầm quan tâm đến chúng tôi nhưng tôi lại suýt đánh mất mối quan hệ quý giá này vì hiểu lầm. Tôi quay lại phòng bệnh, đưa thẻ ngân hàng và lá thư cho bố. Ông đọc thư, đôi mắt nhòe lệ: "Thì ra chú Nam cũng hối hận như bố…"
Lúc đó tôi đã hiểu ra một sự thật: tình cảm gia đình không thể đo bằng tiền bạc. Suy cho cùng, bao nhiêu tài sản cũng không thể so sánh với tình thân. Hiểu ra điều này, tôi chủ động liên lạc với chú, mời chú thường xuyên lên bầu bạn với bố tôi.
Trong những ngày cuối đời của bố, chú đã ở bên cạnh ông. Số tiền trong thẻ ngân hàng đó tuy không cứu được mạng sống của bố tôi nhưng nó là cầu nối giúp ông sống những ngày cuối đời trọn vẹn nhất.
Sau tất cả, dù có thành công, thất bại, khó khăn hay hạnh phúc, gia đình vẫn nơi để chúng ta trở về, vậy nên hãy trân trọng và yêu thương nhiều hơn. Con người chỉ có một cuộc đời, theo đuổi quá nhiều ham muốn sẽ chỉ khiến thể xác và tinh thần kiệt quệ. Hạnh phúc đến từ sự hài lòng về tinh thần. Cuộc sống là của riêng bạn, không phải để người khác nhìn thấy. Nếu hôm nay bạn hạnh phúc hơn hôm qua thì cuộc sống của bạn sẽ có giá trị.
Không phải danh tiếng hay tiền bạc, sức khỏe, thời gian, tình cảm và tinh thần mới chính là những tài sản đắt giá nhất. Hãy trân quý và bảo vệ chúng trước những cám dỗ của cuộc đời.
Theo Sohu