Bỏ túi thuốc trị cảm ngày nghỉ lễ

DS. Tạ Thanh Sơn |

SKĐS - Thường xuyên mang theo một số loại thuốc dưới đây sẽ giúp bạn đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng và vui vẻ hơn...

Cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự chủ quan về sức khỏe và thay đổi nhịp sinh hoạt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, thường được gọi là cảm khiến ngày nghỉ trở nên mệt mỏi, buồn chán.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh cảm

Cảm thường là một dạng bệnh truyền nhiễm do khoảng 200-300 loại virut gây ra, bệnh dễ mắc và dễ khỏi, tuy nhiên có thể gây mệt mỏi cho người bệnh trong khoảng 5-7 ngày. Bệnh cảm thường có thể bị nhầm lẫn với cảm cúm vì có 3 biểu hiện là sổ mũi/nghẹt mũi, ho và đau nhức mình mẩy tương đối giống nhau.

Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây bệnh) và nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm thông thường. Triệu chứng lâm sàng của cảm thường xuất hiện 1-3 ngày sau khi nhiễm virut. Triệu chứng đầu tiên là sốt, đau hay rát họng, sau đó là ngạt mũi và chảy nước mũi. Ngoài ra có các triệu chứng như ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, nhức cơ, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn…

Bỏ túi thuốc trị cảm ngày nghỉ lễ - Ảnh 1.

Thuốc chữa cảm không cần kê đơn nhưng khi dùng cần chú ý liều lượng phù hợp.

Các thuốc thường dùng khi bị cảm

Bệnh nhân khi mới mắc bệnh thường có những biểu hiện đặc trưng theo từng người như nhức mỏi, chóng mặt, hơi ngạt mũi... Cảm thường được điều trị theo triệu chứng của người bệnh với 4 nhóm phổ biến:

Thuốc trị nghẹt mũi: Để giải quyết tình trạng này, người bệnh có thể dùng thuốc uống dạng viên có chứa norpseudoephedrine hay dạng xịt có chứa xylometazelin hoặc oxymetazolin. Cả hai loại thuốc xylometazelin và oxymetazolin đều là thuốc có tác dụng co mạch, giảm sung huyết được sử dụng trong các trường hợp bị ngạt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, cúm và do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ nên dùng trong khoảng 5-7 ngày. Nguyên nhân do nếu dùng lâu sẽ gây hiện tượng nhờn và phụ thuộc thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng tinh dầu giúp làm tăng lưu thông khí và hỗ trợ việc hô hấp.

Thuốc chữa ho: Ho được chia làm hai loại, ho không đờm (ho khan) và ho có đờm. Người bệnh cần lưu ý để sử dụng đúng thuốc. Đối với ho không đờm thì thuốc pentoxyverin và noscapin sẽ giảm việc kích thích niêm mạc ở cổ họng, qua đó giảm ho. Còn đối với ho có đờm thì các loại thuốc như acetylcystein hay ambroxol sẽ làm đờm loãng hơn, giúp dễ loại thải ra bên ngoài. Ngoài ra, người bệnh có thể xông với tinh dầu, uống trà và nhiều nước để tăng tiết đờm, qua đó giúp đờm được thải ra ngoài tốt hơn.

Thuốc trị chứng đau họng: Các loại thuốc gây tê tại chỗ như benzocain, lidocain có trong các loại kẹo ngậm hay thuốc giảm đau như acetylsalicylic (tên thương mại phổ biến là aspirin), flurbiprofen thường được sử dụng và tác dụng rất tốt.

Thuốc trị nhức đầu, mệt mỏi: Để chặn đứng cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt có thành phần paracetamol hay acetylsalicylic rất hiệu quả.

Một số biện pháp hỗ trợ điều trị khác như nghỉ ngơi, uống nhiều nước và vitamin C, hít thở không khí trong lành sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.

Lưu ý: Hầu hết các thuốc điều trị cảm thường được bán ở hiệu thuốc và không cần đơn của bác sĩ, bệnh nhân có thể dễ dàng mua và sử dụng nếu trang bị cho mình những kiến thức căn bản đồng thời hiểu rõ được trạng thái cơ thể. Trong quá trình sử dụng, cần tuân thủ đúng liều lượng về số lần uống trong ngày, khoảng cách và thời gian uống (trước, trong hay sau bữa ăn) được hướng dẫn trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc theo lời dặn của dược sĩ.

Bệnh cảm thường có cần dùng kháng sinh?

Kháng sinh là chất lấy từ vi sinh vật (vi nấm, vi khuẩn, …), bán tổng hợp, tổng hợp, có tác dụng ức chế một số quá trình sống của vi sinh vật và đơn bào với liều thấp, không hoặc ít ảnh hưởng tới vật chủ, người sử dụng. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh không nên bừa bãi, lạm dụng.

Đối với bệnh cảm khi điều trị thông thường không cần dùng tới kháng sinh nhưng virut gây bệnh cảm có thể làm suy yếu hệ miễn dịch qua đó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Do vậy, những bệnh nhân ở các nhóm có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, người bị suy giảm hệ miễn dịch... khi bị nhiễm khuẩn phải điều trị đặc biệt với kháng sinh và bắt buộc phải có sự tư vấn của bác sĩ nhằm tránh tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại