Ông Kurt Campbell nói rằng các quốc gia khác cũng được hoan nghênh hợp tác với Bộ Tứ. Nhóm của 4 quốc gia gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã có một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3 và cam kết phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề vắc-xin COVID-19, biến đổi khí hậu và an ninh.
“Chúng tôi muốn triệu tập một hội nghị trực tiếp vào mùa thu này và hy vọng sẽ đạt được cam kết tương tự trong vấn đề hạ tầng”, ông Campbell phát biểu tại sự kiện trực tuyến do ĐH Stanford tổ chức.
“Và tôi rất muốn nhấn mạnh rằng đây không phải một câu lạc bộ sở thích. Nếu những nước khác tin rằng họ có thể trao đổi và làm việc với chúng tôi, cánh cửa luôn mở khi chúng tôi tiến về phía trước”, ông Campbell nói.
Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ hồi tháng 3 là nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Các lãnh đạo của nhóm đã cam kết bảo đảm một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do khi phải đối diện những thách thức từ Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp trong năm nay. Một quan chức Nhà Trắng cho biết thời điểm và địa điểm cụ thể cho sự kiện vẫn chưa được quyết định.
Ông Campbell nói rằng giờ đã có một bộ thông số chiến lược về Trung Quốc và “giai đoạn thường được gọi chung là hợp tác (với Trung Quốc) đã kết thúc.
“Mô hình thống trị sẽ là cạnh tranh. Mục tiêu của chúng tôi là có một sự cạnh tranh ổn định và hòa bình để có lợi nhất cho chúng ta”, ông Campbell nói.
Ông Campbell nói rằng Mỹ cần có “tầm nhìn kinh tế tích cực về điều mà mình muốn đóng góp, muốn tham gia và hợp tác ở châu Á”.
“Chúng ta có thể làm mọi điều đúng đắn ở châu Á, nhưng nếu không có một chiến lược kinh tế thì sẽ khó thành công. Đó là điều người châu Á đang tìm kiếm”, ông Campbell nói.
Hồi tháng 3, ông Biden gợi ý với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng các quốc gia dân chủ nên có một kế hoạch hạ tầng để cạnh tranh với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai Con đường trị giá nhiều nghìn tỷ đô la được Trung Quốc triển khai từ năm 2013 nhằm phát triển hàng loạt dự án hạ tầng từ Đông Á sang tận châu Âu. Đây được coi là một trong những cách để mở rộng đáng kể ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trên thế giới.