Những điểm mới, đáng chú ý của Giải thưởng Make in Viet Nam 2021
Với mục tiêu lựa chọn, tìm kiếm được các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, xứng đáng nhất và ngày càng nâng cao uy tín, chất lượng, thương hiệu của Giải thưởng danh giá, mang tầm quốc gia, Quy chế Giải thưởng năm 2021 đã có một số các điểm mới.
Cụ thể, Giải thưởng tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Để đảm bảo mục tiêu "có giá trị thực tế lớn được ghi nhận" của sản phẩm, trong Quy chế tại phần Tiêu chí đánh giá và cơ cấu điểm đã được làm rõ và cho trọng số điểm cao đã được chi tiết tham khảo tại Quy chế Giải thưởng trên website http://giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.
Cơ cấu Hạng mục Giải thưởng năm 2021 vẫn giữ nguyên 05 hạng mục như năm 2020, bao gồm: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng.
Đối với Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng, Giải thưởng năm nay chỉ áp dụng đối với các đơn vị tham gia là các tổ chức sự nghiệp, DN nhỏ và vừa hoặc DN khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, thay vì Giải Nhất, Nhì, Ba, năm 2021, Ban tổ chức sẽ trao các Giải Vàng, Giải Bạc, Giải Đồng và Top 10 cho 04 hạng mục: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số. Top 10 cũng được trao cho hạng mục Sản phẩm số tiềm năng.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT: Giải thưởng Make in Viet Nam là một giải thưởng đề cao các sản phẩm có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số , chính phủ số và xã hội số
Nhằm tăng cường tính cạnh tranh của Giải thưởng, trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT, Cơ quan thường trực của Giải thưởng cho biết: Theo Quy chế Giải thưởng năm 2021, đối tượng tham gia Giải thưởng là các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, đơn vị, tổ chức sự nghiệp có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam.
Theo đó, các DN FDI được thành lập theo pháp luật của Việt Nam và có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí đánh giá đều được tham gia Giải thưởng. Nhằm khuyến khích, động viên các DN do người Việt làm chủ, các sản phẩm mà công đoạn cốt lõi do người Việt Nam thực hiện, tổ chức, DN do người Việt Nam làm chủ sẽ được cộng điểm.
Đối với các sản phẩm mới như fintech, P2P lending,… theo quy định, DN được phép kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với các ngành, nghề, hoạt động kinh doanh có điều kiện, DN cần tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ví dụ như hoạt động cho vay được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng.
Do vậy, đối với những sản phẩm mới trong lĩnh vực này cần đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. DN có thể tham gia nộp hồ sơ sản phẩm để Hội đồng xem xét.
Quy trình xét Giải thưởng năm nay cũng có thay đổi: Bổ sung giai đoạn đăng ký sơ bộ từ ngày 20/6/2021 đến hết ngày 20/7/2021 đề giúp DN có thêm thời gian tìm hiểu hạng mục dự thi phù hợp và nhận được sự hướng dẫn của Cơ quan thường trực Giải thưởng nếu cần, chuẩn bị hồ sơ cho đầy đủ theo Quy chế.
Trong Giai đoạn sơ khảo, các Tiểu ban của Hội đồng Giám khảo tổ chức chấm điểm các hồ sơ đạt tiêu chí qua Vòng sơ tuyển, lựa chọn 12 hồ sơ có số điểm cao nhất của mỗi hạng mục Giải thưởng.
Các đơn vị tham gia có hồ sơ thuộc nhóm 12 hồ sơ đạt số điểm cao nhất của mỗi hạng mục sẽ thuyết trình, bảo vệ trước các Tiểu ban của Hội đồng tương ứng (theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến) để Tiểu ban Hội đồng đánh giá, lựa chọn Top 10 hồ sơ theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp của mỗi Hạng mục, đề cử vào Vòng Chung khảo.
Trong quá đánh giá, lựa chọn 12 hồ sơ có số điểm cao nhất của mỗi hạng mục Giải thưởng, Hội đồng Giám khảo có thể tham khảo ý kiến đánh giá bổ sung của các chuyên gia, đơn vị sử dụng sản phẩm là các Bộ, ngành, địa phương, Hội, Hiệp hội có liên quan.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Giải thưởng Make in Viet Nam do Bộ TT&TT tổ chức, ông Tuyên khẳng định: "Giải thưởng Make in Viet Nam là một giải thưởng đề cao các sản phẩm có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, góp phần thực hiện chủ trương phát triển DN công nghệ số Việt Nam để đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ".
Bộ TT&TT hỗ trợ tích cực các DN, sản phẩm Make in Viet Nam
Để hiện thực hóa chủ trương Make in Viet Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên cũng cho biết thêm: Hiện nay, Bộ TT&TT đang trình Thủ tướng Chính phủ các Chương trình, chiến lược nhằm đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, hỗ trợ sản phẩm Make in Viet Nam, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Đối với các sản phẩm đạt Giải thưởng Make in Viet Nam, Bộ TT&TT hỗ trợ giới thiệu tham gia các cuộc thi và Giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế khác; Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tư vấn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm; Quảng bá sản phẩm công nghệ số trên phương tiện thông tin đại chúng của Bộ TT&TT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hỗ trợ, xem xét đưa vào Danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan nhà nước; Danh sách các dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ của DN.
Các DN có sản phẩm đạt giải cao cũng sẽ được Bộ TT&TT mời tham vấn, phản biện về các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình phát triển của ngành và định hướng phát triển sản phẩm công nghệ số của DN.
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với VCCI để tổ chức Giải thưởng, đồng hành cùng các DN công nghệ số Make in Viet Nam. Theo Chỉ thị 01/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VCCI phối hợp với Bộ TT&TT tuyên dương các DN công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược "Make in Viet Nam" và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của DN công nghệ số Việt Nam.
Bộ TT&TT và VCCI cũng xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức phát triển DN công nghệ số Việt Nam; Nghiên cứu, đánh giá môi trường phát triển DN công nghệ số Việt Nam hàng năm; Đẩy mạnh phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", chú trọng đến các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của DN công nghệ số Việt Nam.
Theo Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 11/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ VCCI, VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội DN ở Việt Nam…
Do vậy, việc phối hợp tham gia của VCCI trong việc tổ chức Giải thưởng sẽ góp phần thực hiện những nhiệm vụ được Thủ tướng giao, phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ của VCCI trong việc kêu gọi, hỗ trợ các DN đạt giải sau này trong việc tuyên truyền quảng bá các sản phẩm đạt giải đến cộng đồng DN Việt Nam là thành viên của VCCI.
Những lưu ý cho các các DN, tổ chức tham gia Giải thưởng 2021
Để việc tham gia Giải thưởng được hiệu quả, chất lượng, Ban Tổ chức Giải thưởng lưu ý các DN, tổ chức tham gia Giải thưởng cần:
1. Nghiên cứu kỹ nội dung Quy chế Giải thưởng đã được đăng trên website http://giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn để lựa chọn Hạng mục Giải thưởng phù hợp.
2. Để nhận được hỗ trợ, hướng dẫn từ Cơ quan thường trực Giải thưởng, DN, tổ chức khẩn trương đăng ký sơ bộ việc tham gia Giải thưởng trước ngày 20/7/2021 trên website: http://giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn .
3. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hồ sơ tham gia: Các DN, tổ chức tham gia cần thuyết minh đầy đủ, chi tiết theo các tiêu chí đánh giá đối với từng hạng mục Giải thưởng "Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam" ban hành kèm theo Quy chế. Đặc biệt là các tiêu chí doanh thu, số lượng người dùng, chất lượng tăng trưởng, chứng minh làm chủ công nghệ… (có thể tham khảo mẫu theo các Hạng mục Giải thưởng đã đăng công khai trên website Giải thưởng).
4. Với những DN lọt vào Top 12 cần chuẩn bị bài thuyết trình trong vòng 10 phút để báo cáo các Tiểu ban Hội đồng.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc xin vui lòng liên hệ ngay với cơ quan thường trực Giải thưởng theo số đường dây nóng: 0898.995599.
Thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia Giải thưởng từ ngày 20/6/2021 đến hết ngày 20/9/2021, nhiều hơn 01 tháng so với Giải thưởng năm 2020. Trong thời gian từ 20/6/2021 đến 20/7/2021, DN có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của Cơ quan thường trực Giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo Quy chế. Hình thức gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Giải thưởng: makeinvietnam.mic.gov.vn và makeinvietnam.vcci.com.vn.