Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hiện các vụ án vẫn đang được điều tra ở các tỉnh, thành có dấu hiệu sai phạm. “Ba vụ án ở 3 tỉnh thì chúng tôi vẫn đang triển khai. Hiện nay trong phạm vi vụ án thì lực lượng Công an vẫn đang điều tra chứ chưa có kết luận” – Bộ trưởng nói.
Về thông tin cho rằng việc điều tra đã được mở rộng ra các tỉnh, thành khác, người đứng đầu Bộ Công an khẳng định, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cơ quan đang kiểm tra, Bộ Công an chỉ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Chiều 26-10, giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi xảy ra sai phạm thì Bộ GS&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an điều tra làm rõ, đến nơi đến chốn và nghiêm minh. Đến nay đã phát hiện, xử lý 11 cán bộ sai phạm.
“Theo đúng quy chế thì có 151 em và tới đây còn làm nữa. Tinh thần sai là xử, và xử nghiêm theo đúng quy chế”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện quan điểm.
Trước đó, trả lời chất vấn của ĐBQH tại Phiên họp thứ 26 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-8, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vụ án gian lận thi cử đang được điều tra và không thể nói trước về thời gian.
Theo Bộ trưởng, lực lượng điều tra luôn muốn tập trung, kết thúc nhanh nhưng phải đảm bảo yêu cầu chỉ ra được tội phạm.
“Thời gian ban đầu có thể trong phạm vi 4 tháng, nếu chưa xong nữa thì phải tiếp tục điều tra.
Chưa thể nói được về thời gian, hiện chúng tôi khởi tố điều tra và bắt giữ các đối tượng, nếu có liên quan đến những người khác, những vấn đề khác thì vẫn phải tiếp tục điều tra chứ không thể kết thúc” – Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng phạm vi điều tra cũng như thế, nếu qua đấu tranh phát hiện các đối tượng khác ở những địa phương khác có dấu hiệu vi phạm thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật, không có chuyện tội phạm không được vạch trần.
“Đối với những năm trước, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Bộ GD&ĐT kiểm tra các kết quả, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ điều tra tiếp.
Tóm lại là không có giới hạn điều tra, xử lý; không để lọt bất cứ ai có liên quan đến tội phạm này” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Vụ tiêu cực “động trời” trong Kỳ THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Có 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang được sửa từ 1-8 điểm. Tới nay số cán bộ đã bị xử lý, bắt tạm giam là 11 người, trong đó Hà Giang là 2, Sơn La 6 và Hòa Bình 3. Số học sinh đã bị xử lý là 151 em, trong đó Hà Giang 114, Sơn La 29 và Lạng Sơn 8. |