Quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis - “nhân tố ổn định” cuối cùng trong chính quyền Tổng thống Donald Trump - đã làm dấy lên nhiều nghi ngại về tương lai của thế cân bằng an ninh kéo dài hàng thập kỷ qua tại khu vực Châu Á.
Trong bối cảnh chính sách đối ngoại mà Tổng thống Trump thực hiện còn khó đoán định, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, người từng kinh qua cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc chiến tại Iraq năm 2003 được xem là nhân tố thúc đẩy những cam kết kiên định của Mỹ với khu vực Châu Á.
Điều này được thể hiện rõ trong lá thư từ chức của ông Mattis. Bức thư có đoạn viết: “Tôi có một niềm tin cốt lõi rằng sức mạnh của đất nước chúng ta có liên hệ chặt chẽ với sức mạnh toàn diện và vô song của các đồng minh và các đối tác của chúng ta” và “Các quan điểm của tôi trong mối quan hệ với các đồng minh trong hơn 4 thập kỷ nay là đối xử với họ bằng sự tôn trọng nhưng cũng phải tinh tường để coi họ vừa là chủ thể hợp tác, vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược”.
Vai trò của ông James Mattis tại Châu Á
Trên cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Mattis nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối ngoại dựa trên nền tảng có qua có lại, và tôn trọng trật tự quốc tế hiện thời.
“Tầm nhìn của Mattis giúp tương tác giữa Washington với đồng minh lẫn đối tác không bị gián đoạn bất chấp thay đổi về ý thức hệ giữa hai chính quyền Barack Obama và Trump”, theo học giả Panda.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore, Bộ trưởng Mattis đã ủng hộ việc giữ nguyên trật tự quốc tế. “Không quốc gia nào có thể tự mình thay đổi trật tự quốc tế. Chúng tôi quyết cùng ASEAN, đồng minh lẫn đối tác bảo vệ lợi ích của chúng ta, tôn trọng chủ quyền quốc gia khác cũng như giữ vững các giá trị”, ông Mattis nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn thể hiện rõ niềm tin tiếp nối chính sách đối ngoại trước kỷ nguyên Trump qua chuyến thăm những khu vực bị nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam vào tháng 10/2018.
Hợp tác với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chất độc màu da cam là cam kết mà chính quyền cựu Tổng thống Obama từng đưa ra trước đó. Giáo sư Kristi Govella, thuộc Đại học Hawaii nhận định:
“Những gì diễn ra trong gần hai năm qua đã cho thấy chính quyền Tổng thống Trump có thể thay đổi mọi thứ một cách nhanh chóng. Quyết định từ chức của ông Mattis đã làm mất đi một nhân tố ổn định quan trọng trong tiến trình an ninh và hoạch định chính sách”.
Trong chuyến công du Châu Á vào tháng 10/2018, Bộ trưởng Mattis đã tái khẳng định quan hệ gắn bó bền chặt giữa Mỹ với các nước đồng minh thân cận Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái này được xem là quan trọng sau khi Tổng thống Trump đặt câu hỏi về đóng góp an ninh của các nước trên.
Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền của ông Trump cho biết: “Rõ ràng đó là một thông điệp trấn an. Thông điệp này nhằm gửi tới tất cả những ai đang lo ngại về việc ông Trump rút lui vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ ở khu vực Châu Á".
Không chỉ duy trì và đảm bảo quan hệ tích cực với các đồng minh của Mỹ, ông Mattis còn kiên quyết bảo vệ vai trò của Mỹ trong thực thi luật hàng hải quốc tế, ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông .
Châu Á lo lắng về sự từ chức của ông Mattis
Với vai trò và tầm ảnh hưởng rộng rãi của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tại Châu Á, giáo sư Vinary Kaura thuộc đại học Sardar Patel (Ấn Độ) cho rằng, các đồng minh của Mỹ sẽ không tránh khỏi lo ngại khi ông Mattis từ chức:
“Bộ trưởng Mattis ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì mối quan hệ truyền thống với những đồng minh thân cận, trái ngược với cách tiếp cận mang tính kinh doanh nhiều hơn của Tổng thống Trump. Nay ông không còn giữ chức thì Nhật Bản, Hàn Quốc chắc chắn rất lo lắng”.
Các chuyên gia cho rằng, thay vì hợp tác chiến lược với đồng minh, chính sách “nước Mỹ trên hết” sẽ chiếm ưu thế, cùng với đó là cuộc cạnh tranh xuyên suốt như những gì đã diễn ra trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Govella khẳng định: “Chính sách đối ngoại của Mỹ thường bị chi phối bởi tình hình chính trị nội bộ của nước Mỹ. Với việc Tổng thống Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”, các nhà lãnh đạo Châu Á lo ngại rằng liên minh an ninh của Mỹ trong khu vực sẽ bị chính trị hóa.
Và đôi khi làm suy giảm mối quan hệ đối với đồng minh cũng được xem là cách để Tổng thống Trump giành sự ủng hộ của các cử tri trong nước”.
Trong khi đó, tình trạng gia tăng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến cũng gây ảnh hưởng tới chính sách quốc phòng và kinh tế của Mỹ tại Châu Á.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Interpreter của Viện Lowy, nhà phân tích Sam Roggeveen nói rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào một cuộc đối đầu “lớn hơn và khó khăn hơn” Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu với báo chí, Thượng nghị sỹ Australia Jim Molan nói rằng, quyết định từ chức của ông Mattis cho thấy Australia cần phải tự lực tự cường trong vấn đề quốc phòng. Nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ cũng có chung cảm nhận như vậy Giáo sư Kaura, thuộc Đại học Sardar Patel khẳng định:
“Ông Mattis là người ủng hộ mạnh mẽ tăng cường hợp tác quốc gia giữa Mỹ với Ấn Độ. Do đó, quyết định của ông rời bỏ Bộ Quốc phòng thêm một lần nữa khiến quan hệ này mất ổn định”. Bên cạnh đó cũng nổi lên những lo ngại về việc Tổng thống Trump có thể rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi Afghanistan, khiến Ấn Độ và Pakistan đối mặt với mối đe dọa khủng bố gia tăng.
Một vấn đề khác khiến các đồng minh Châu Á đau đầu hơn khi ông Mattis từ chức là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bộ trưởng Mattis từng phản đối Tổng thống Trump theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên bởi ông cho rằng điều này sẽ gây tổn hại an ninh của nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng là nhân vật chính ra sức thuyết phục Tổng thống Trump không dùng biện pháp quân sự đối với Triều Tiên hồi đầu năm nay. Jackson, tác giả cuốn sách “On the Brink”, (tạm dịch là trên vực thẳm) cho biết: “Sẽ có nhiều biến động trong quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên và với các đồng minh của nước này. Những điều kiện dẫn đến một cuộc khủng hoảng hạt nhân vẫn hiện hữu”.
Trăn trở về người kế nhiệm ông Mattis
Ông Ankit Panda, thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho biết: “Việc ông Mattis rời bỏ chức vụ sẽ khiến nhiều đối tác và đồng minh của Mỹ tại Châu Á cảm thấy như thể biểu tượng quan trọng nhất của sự tiếp nối chính sách đối ngoại trước kỷ nguyên Trump đã chấm hết. Họ không sai về điều này”.
Nhiều học giả đã đặt câu hỏi về việc liệu người kế nhiệm ông có cùng tư tưởng như vậy không và liệu chính sách đối ngoại mà Mỹ theo đuổi tại Châu Á sau này có kế thừa quan điểm của Mattis hay không. Hay là khi đó, Mỹ sẽ để các đồng minh của nước này tự đương đầu với những thách thức chẳng hạn như vấn đề hạt nhân.
Nhà phân tích chính trị Van Jackson cho rằng: “Người thay thế ông Mattis sẽ là người có nhiều quan điểm tương đồng hơn với Tổng thống Trump, ủng hộ chủ nghĩa đơn phương, linh hoạt hơn và cứng rắn hơn”, và như vậy, một khi ông Mattis rời nhiệm sở, sợi dây ràng buộc trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Châu Á sẽ trở nên lỏng lẻo./.