Một nguồn tin quân đội Trung Quốc nói rằng, đã có sự hiểu lầm khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề nghị kết nối với Phó Chủ tịch ủy ban quân vụ trung ương (CMC) Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), dẫn tới sự phản đối tại Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Nguồn tin, giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, nói rằng, người đồng cấp của ông Austin đáng ra nên là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), chứ không phải là ông Hứa Kỳ Lượng – nhân vật số 2 tại CMC sau Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Cả ông Hứa và ông Ngụy đều đã báo cáo với ông Tập, nhưng theo nghi thức ngoại giao, người đồng cấp của ông Austin là ông Ngụy. Lầu Năm Góc hiểu rõ điều này khi [những người tiền nhiệm của ông Austin] Mark Esper và James Mattis còn đương chức”, nguồn tin cho biết.
Financial Times dẫn nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bắc Kinh đã 3 lần từ chối đề nghị của ông Austin về việc trao đổi với ông Hứa Kỳ Lượng qua điện thoại.
Theo Global Times của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đã “không tuân thủ các nghi thức ngoại giao”.
Các chuyên gia quan hệ quốc tế của Trung Quốc cho rằng, các kênh liên lạc giữa chính phủ và quân đội 2 nước đã gần như bị đình chỉ sau cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao hàng đầu tại Alaska hồi tháng 3/2021.
Các nhà quan sát khác lại không cho rằng đề nghị của ông Austin là phá vỡ các nghi thức ngoại giao và là nguồn cơn dẫn tới sự thất bại của các kênh liên lạc. Ông Zhu Feng, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Nanjing) cho rằng, bối cảnh còn quan trọng hơn các chức danh.
“Hai nước không bận tâm về chức danh chính thức của đối tác đàm phán mà là về thẩm quyền hành chính của họ. Những bất đồng hiện nay cho thấy 2 nước đã đạt đến giai đoạn cần phải cải thiện mối quan hệ tốt hơn”, ông Zhu nói.
Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng, bất đồng sâu sắc giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn tới việc liên lạc bị gián đoạn.
“Không thể hiểu được việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối đề nghị, nhất là khi Bắc Kinh đang cảm thấy rằng ranh giới của họ đang bị thách thức”, ông Shi nói, đề cập tới việc Mỹ đang tìm cách thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan và các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc liên quan tới vấn đề Tân Cương.
“Tất cả những lập luận trên đều gây ra thất bại cho việc thiết lập một cơ chế liên lạc thường xuyên giữa chính phủ và quân đội 2 nước kể từ khi ông Biden lên nắm quyền hồi tháng 1”, ông Shi cho biết thêm.
Trước đó, Kurt Campbell, điều phối viên của chính quyền Biden về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói rằng, các đường dây nóng giữa 2 bên chỉ đổ chuông “trong căn phòng trống”. Điều này dấy lên lo ngại việc thiếu kênh liên lạc khủng hoảng có thể dẫn tới xung đột quân sự và tiềm tàng dấy lên căng thẳng ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Năm 2021, Mỹ đã 5 lần điều tàu quân sự qua Eo biển Đài Loan và thực hiện 3 chuyến đi tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như các nỗ lực tập hợp đồng minh cho sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Shi nói rằng từ cuối tháng 4, đã có một số dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh và Washington, một cách trùng hợp, đã ra lệnh cho các lực lượng ở tiền tuyến kiềm chế trong các cuộc đối đầu và chạm trán trong khu vực.
“Bất chấp những cuộc khẩu chiến, cả quân đội Trung Quốc (PLA) và Mỹ đều khá thận trọng để tránh có các hành động khiêu khích làm kích động đối phương”, ông Shi nói.
Nguồn tin quân đội cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng PLA cũng dự đoán Hải quân và Không quân Mỹ sẽ trở lại Biển Đông cho cuộc tập trận mùa hè vào tháng tới.
“Sau vài năm đối đầu trong khu vực, quân đội 2 bên đã quen với sự hiện diện của nhau. Tàu chiến và máy bay của họ giữ khoảng cách an toàn trong các cuộc chạm trán và ngăn chặn bất cứ tai nạn tiềm tàng nào có thể xảy ra”, nguồn tin cho biết./.