Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius (bên trái) và người đồng cấp Ukraine, Aleksey Reznikov (bên phải), chụp ảnh cùng mô hình xe tăng Leopard 2 của Đức vào ngày 7/2 tại Kiev. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), phát biểu với tờ Bild của Đức hôm 7/2 trong chuyến thăm chính thức tới thủ đô của Ukraine, khi được hỏi liệu Kiev có thể khôi phục quyền kiểm soát đối với tất cả các vùng lãnh thổ thuộc biên giới của đất nước được thành lập sau năm 1991 hay không, ông Pistorius cho rằng “rất khó” để xác định liệu Kiev có thể giành lại Crimea và Donbass hay không.
Dù không dự đoán trước kết quả, ông Pistorius đã hoan nghênh sự dũng cảm của lực lượng Kiev, đồng thời tuyên bố rằng Berlin sẽ hỗ trợ Ukraine hết khả năng của mình. Quan chức này cũng tuyên bố rằng việc phương Tây tiếp tục ủng hộ Kiev sẽ là chìa khóa quyết định kết quả của cuộc xung đột với Nga.
Ông nói: “Đây là một cuộc chiến tranh tiêu hao dữ dội. Có những tổn thất vô cùng lớn”.
Khi được hỏi liệu ông có giữ nguyên quan điểm trước đó cho rằng Ukraine phải chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không, ông Pistorius trả lời: “Tất nhiên là có!”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, tương tự khả năng giành lại các vùng lãnh thổ cũ của Ukraine, triển vọng đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev vẫn chưa chắc chắn.
Ông Pistorius cũng xác nhận cam kết của Berlin về việc cung cấp cho Kiev 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 vào cuối tháng 3 tới. Ngoài ra, nước này cũng sẽ bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng phương tiện này trong tương lai gần.
Bộ Quốc phòng và Kinh tế Đức cùng ngày cho biết nước này đã phê duyệt xuất khẩu tới 187 xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Việc giao xe tăng Leopard 1 sẽ mất nhiều thời gian hơn do cần phải tân trang lại tại hai cơ sở công nghiệp. Song giới truyền thông cho rằng do nhiều xe tăng sẽ phải tháo rời để lấy các bộ phận trong quá trình tân trang, vì vậy số lượng thực tế bàn giao cho Kiev chắc chắn sẽ thấp hơn.
Quan chức quốc phòng hàng đầu của Đức nhấn mạnh ông coi việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine trong những tháng tới là rất quan trọng. Đồng thời, ông cũng đặt câu hỏi về tính hữu dụng tiềm năng của tàu ngầm tại chiến trường Ukraine, trong bối cảnh Kiev liên tục yêu cầu phương Tây viện trợ loại vũ khí này.
Về phần mình, phản ứng trước kế hoạch cung cấp xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác cho Ukraine của các quốc gia phương Tây, hôm 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo rằng động thái này về cơ bản sẽ kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và có thể dẫn đến sự leo thang khó lường”.
“Mỹ và các đồng minh đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột trong thời gian lâu nhất có thể. Vì mục đích này, họ đang cung cấp vũ khí tấn công hạng nặng và công khai kêu gọi Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Những động thái như vậy thực sự đang lôi kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và cuối cùng có thể dẫn đến sự leo thang khó lường”, ông Shoigu nói.
Ông Shoigu cảnh báo quân đội Nga sẽ “tiếp tục nghiền nát” tất cả vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp cho Ukraine cả trên tiền tuyến lẫn dọc các tuyến đường vận chuyển.
Trước đó, các quan chức hàng đầu của Nga liên tục lập luận rằng việc phương Tây liên tục “bơm” vũ khí cho Ukraine chỉ nhằm kéo dài cuộc xung đột một cách không cần thiết.