Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có giải trình trước Quốc hội liên quan đến việc chuyển đổi giáo viên từ công chức, viên chức sang hợp đồng.
Theo Bộ trưởng Nhạ, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực, mà động lực trong đội ngũ giáo viên, nhà giáo rất quan trọng.
"Thực tế chế độ công chức, viên chức như hiện nay còn nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là tuyển dụng. Đặc biệt là ở bậc phổ thông, tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu, rồi ở chuyên môn dẫn tới thừa thiếu rất nhiều.
Phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định, dẫn tới khó khăn trong nâng cao kiến thức, phẩm chất năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới, từ đó chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng", ông Nhạ nêu thực trạng.
Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động mà trước hết thí điểm ở khu vực đại học và một số trường có điều kiện.
Sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng, bởi việc đổi mới khu vực giáo viên, nhà giáo là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục.
"Chúng tôi đã nghiên cứu để đề xuất từng bước, dẫn tới mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, qua đó thực hiện thành công đổi mới theo Nghị quyết 29 nêu ra.
Nghị quyết này cũng nêu rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp, kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu", ông Nhạ nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận, đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là cần nghiên cứu thật kỹ, thực hiện thật căn cơ.
"Gần đây chúng tôi có trao đổi với các sở, đơn vị giáo dục thì đều nhận được sự nhất trí, dư luận xã hội rất quan tâm đồng hành.
Quan trọng là lộ trình bước đi thế nào cho phù hợp với cơ sở và tâm lý giáo viên", ông nói thêm.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) cho hay, cử tri rất quan tâm đến cải cách giáo dục, tinh giản biên chế. Bởi giáo dục là lấy con người làm trung tâm từ đó chọn ra những bậc thầy xứng đáng để làm khuôn mẫu cho cả xã hội.
"Giáo dục là một quy trình công nghệ đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra cũng là con người, quá trình vận hành cũng là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu", Thượng tọa Quyết nói.
Theo Thượng tọa Quyết, đối với giáo viên họ không quan niệm nặng nề phân biệt là công chức hay viên chức, là trong hay ngoài biên chế. Nhưng họ là người thầy cao quý trong xã hội nên mong tiếp tục phấn đấu thi đua công bằng, bình đẳng để cống hiến, khẳng định mình và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay.
Do đó, Thượng tọa đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo chú ý, cẩn trọng trong vấn đề này.