Sáng nay 4-4, bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục, trả lời Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì việc giáo dục, tuyên truyền trên lớp đối với học sinh là việc đã được thực hiện nhiều năm qua và đã có quy định.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn, đội hay trong các tiết học giáo dục công dân… cũng kết hợp giáo dục, tuyên truyền để học sinh "nói không" với bạo lực học đường, cũng như các biện pháp phòng tránh.
Ngoài ra, các trường cũng cần tạo điều kiện để những bạn tốt trong lớp, những tấm gương tốt cảm hóa các cháu hơn là dùng hành chính đe dọa. Các cháu bé thì chủ yếu dùng các biện pháp giáo dưỡng nhẹ nhàng động viên là chính.
"Giáo dục phải làm gốc, đặc biệt với đối tượng yếu thế là phải rất quan tâm. Còn đối với các cháu tạm gọi là cá biệt cũng phải quan tâm để giáo dưỡng để các cháu biết được bạo lực học đường là không tốt, thậm chí gây như thế là pháp pháp, để làm sao nhắc nhở các cháu" – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, các cháu yếu thế thì phải dựa vào các thầy, các cô. Đây là sự động hành chung của cả thầy và trò. Việc giáo dục cũng cần rất nhẹ nhàng, không rầm rộ vì giáo dục đạo đức lối sống, ứng xử tốt thì phải dần dần từng bước. Trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm quan trọng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ủng hộ sáng kiến "nói không" với bạo lực học đường bằng sự vào cuộc của cả xã hội nhất là sự ủng hộ, hưởng ứng của các ngôi sao trong giới nghệ thuật, những người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá…
"Những người nổi tiếng hay ngay cả những tấm gương học sinh ngoan, giỏi, ưu tú đến trường để tuyên truyền, kêu gọi "nói không" với bạo lực học đường là giải pháp tốt. Trẻ con chịu ảnh hưởng nhiều từ những tấm gương tốt, những thần tượng tốt. Nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến học sinh thì rất nguy hiểm như Khá Bảnh vừa rồi" – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết tới đây sẽ có chỉ đạo tăng cường thêm nội dung, các tiết học có lồng ghép nội dung ngăn chặn bạo lực học đường và đẩy mạnh nội dung này trong nhà trường.
"Không chỉ tăng cường giáo dục, tuyên truyền mà còn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các nhà trường.
Chính sách hiện nay tương đối nhiều, quan trọng là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, người thực hiện, các nhà trường và địa phương phải đồng hành. Ngay cả báo chí nên đưa những tấm gương tốt, cùng nhau lên án những thói hư tật xấu"- ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
"Bạo lực học sinh bắt nguồn từ ứng xử lạnh lùng, thực dụng của người thầy"?
Cho ý kiến dự án Luật Giáo dục, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị luật cần thể hiện nguyên tắc về sự chuyển đổi căn bản trong phương pháp dạy học, từ chỗ để người thầy làm trung tâm thì phải đưa người học trở thành trung tâm, để "sửa chữa" lại những hiện tượng học sinh chán nản, thiếu lý tưởng sống trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
"Hiện tượng học sinh sống ích kỷ, lạnh lùng, thậm chí là bạo lực học sinh bộc phát thời gian qua cần được nhìn nhận từ căn nguyên. Nguyên nhân đầu tiên chính là từ ứng xử tương ứng của một bộ phận giáo viên.
Giáo viên thực dụng, lạnh lùng, lợi dụng học trò gây tổn thương lòng tôn kính của người học với người thầy. Sau nữa mới tới nguyên nhân từ gia đình, từ khoảng cách giàu nghèo trong xã hội dẫn đến tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các học sinh" – ông Tám nói.
Để chống bạo lực học đường, ông Tám cho rằng học sinh không thể bị phân biệt đối xử, tức được đảm bảo sự công bằng về cơ hội học tập, giáo dục. Vì vậy cần bổ sung quy định này vào dự thảo luật.
"Cần hàn gắn những tổn thương này bằng cách tạo lập bình đẳng tại môi trường học đường. Thầy cô là tác nhân quan trọng trong quá trình hàn gắn này. Học sinh cần được cảm nhận việc không bị phân biệt, được đối xử bình đẳng, dân chủ, nhất là trong môi trường học đường.
Trách nhiệm trước hết trong việc này phải nằm ở người thầy, ở nhà trường trong việc xâu dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh chứ không phải quy chung cho "xã hội, cá nhân và tổ chức" như dự thảo luật thể hiện" - ông Tám phân tích.