Bộ trưởng NN&PTNT: Chăn nuôi lợn tăng trưởng quá nhanh, phải giảm 4 triệu hộ nuôi

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tiêu thụ nông sản, nhất là việc 'giải cứu' thịt lợn vừa qua.

Làm thế nào giải quyết điệp khúc được mùa mất giá...?

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn nghe chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng về căn cứ đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi với 32 triệu con lợn vào năm 2015, trong khi đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng đã xảy ra khủng hoảng, người chăn nuôi gặp khó khăn.

Bộ trưởng NN&PTNT: Chăn nuôi lợn tăng trưởng quá nhanh, phải giảm 4 triệu hộ nuôi - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: VTV.vn

Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) cho biết, trước tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi gặp khó khi cung vượt cầu, người sản xuất đã lỗ đến 50% chi phí, Bộ đã có các giải pháp để giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn, vậy đâu ra giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để.

"Làm thế nào để điệp khúc "được mùa mất giá và được giá mất mùa" sẽ được giải quyết triệt để", đại biểu hỏi.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Sơn về việc quy hoạch đàn lợn, dẫn đến thừa thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là vấn đề tồn tại từ khá lâu, trong đó khâu thị trường và chế biến là rất yếu.

Tuy nhiên, đang từ bán ở chợ nhà để mang ra thế giới với các yêu cầu khắt khe là phải tổ chức lại, đòi hỏi vấn đề tổ chức, đầu tư.... nên sẽ không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi khác thừa cái kia... Đó là một chặng đường gian khổ nhưng chúng ta phải làm.

Về khủng hoảng thừa thịt lợn trong giai đoạn vừa qua như nhiều đại biểu đặt câu hỏi, ông Cường cho biết, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Và hiện nay, không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vào năm qua.

Riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng... Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, riêng về thịt lợn thì rổ thực phẩm Việt Nam cơ cấu đã thay đổi. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế. Theo ông, trong thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung.

Nguyên nhân thứ 2 theo Bộ trưởng Cường là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm. Trong khi đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ.

Thứ ba, khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện nay, thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc.

"Các thị trường khác chưa khai thác được. Trong 3 khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường thì mới làm được khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp và từ đây dẫn tới thịt lợn dồn ứ như vừa qua", Bộ trưởng nêu rõ.

Ngành nông nghiệp làm chưa tốt

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tạm nhập tái xuất thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, "phát triển thị trường là nội dung mệnh lệnh, không có thị tường không có sản xuất".

Theo ông, thị trường phải sản xuất ngay trong nội địa, bảo vệ thị trường nội địa, tuy nhiên cần đánh giá, rà soát lại để tận dụng được cơ hội phát triển, hợp tác với các nước để xuất khẩu mặt hàng nông sản.

"Thị trường quyết định cho sản xuất nông sản", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hai Bộ Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng ngồi lại, đánh giá lại công tác quản lý thị trường, phát triển thị trường.

Song song đó, tới đây ngành này sẽ rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm. Đó là trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương và phát triển nông sản đặc thù từng địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt.

"Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng tổng đàn lợn hiện nay quá thừa, cần cơ cấu lại, giảm số lượng nhưng quản trị được và tăng chất lượng", Bộ trưởng nêu rõ.

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thị trường. Bộ trưởng cho biết, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và Bộ, ngành Việt Nam vừa qua đến Trung Quốc có nhiều buổi đàm phán để phát triển thị trường cho xuất khẩu lợn.

Hiện nay đã có những kết quả nhất định để xuất khẩu lợn chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới.

"Chúng tôi cũng hiểu đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chứ không phải ai khác, nhưng là một đoàn tàu phát triển mới làm được một khoang nên mọi việc phải từng bước", ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận: "Tôi thấy bộ trưởng trả lời đại biểu Sơn về căn cứ lập quy hoạch nhưng chưa thuyết phục. Trong việc giải cứu đàn lợn tôi thấy vắng bóng vai trò của quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng NN&PTNT: Chăn nuôi lợn tăng trưởng quá nhanh, phải giảm 4 triệu hộ nuôi - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh: VTV.vn

Nếu quy hoạch lập ra có căn cứ, tiêu chí phù hợp với giai đoạn đó, khi thị trường thay đổi thì vai trò của quản lý Nhà nước như thế nào trong việc cung cấp thông tin, định hướng sản xuất.

"Bộ trưởng nói bây giờ phải có nhà sản xuất thông minh, còn cử tri thì nói rằng phải có nhà quản lý thông minh.

Có câu hỏi là ngoài lợn thì giải cứu gì nữa? Tôi nghĩ là cây cao su đang cần giải cứu, rồi cam, quýt, bưởi khả năng cũng phải giải cứu nữa", đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về việc làm thế nào có sản phẩm nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đảm bảo xử lý môi trường để đảm bảo có sản phẩm nông nghiệp sạch là yêu cầu đặt ra cần kíp.

Và chúng ta có diện tích đất canh tác tốt nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch.

"Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc: từ đất và nước", ông Cường quả quyết, đồng thời chia sẻ trước thực tế hầu hết các con sông nội đô Thủ đô hiện đang bị ô nhiễm.

Ông cho rằng, việc này cần sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại