Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về kỳ vọng dịp Tết an toàn, sau 1 tháng phạt nặng nồng độ cồn

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin rằng, mức phạt cao của Nghị định 100 sẽ tạo ý thức cho người dân không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2020.

Nghị định 100 mang tính chất đột phá

Với các mức xử phạt tiền tăng nặng và các chế tài xử lý khác đi kèm, đặc biệt với hành vi vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến ý thức người cầm lái, giúp kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Nghị định 100 đưa ra quy định mới nhằm hiện thực hóa quy định cấm người đã uống rượu, bia rồi tham gia giao thông tại Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019.

Ông nói, theo quy định tại Nghị định này, người nào chỉ cần uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Đây cũng là lần đầu tiên quy định xử phạt người uống rượu, bia lái xe đạp tham gia giao thông.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, Nghị định 100 đạt được sự đồng thuận rất lớn từ người dân, nhất là trong ngày cuối năm, Tết Nguyên đán này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về kỳ vọng dịp Tết an toàn, sau 1 tháng phạt nặng nồng độ cồn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thể.

"Chúng tôi đánh giá Nghị định 100 mang tính chất đột phá khi xác định người nào chỉ cần uống rượu bia cũng bị phạt, chứ không xác định tỷ lệ. Ngoài ra, mức xử phạt cao cũng tạo ý thức cho người dân không nên sử dụng bia rượu.

Chúng tôi cũng tin rằng, với Nghị định này và Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, năm 2020, tình hình tai nạn giao thông sẽ tốt hơn so với năm 2019", ông Thể nói.

Cũng trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT- Cục CSGT (Bộ Công an), nhìn nhận thực tế ở nước ta, nhiều người uống rượu bia vẫn lái xe mà không nghĩ đến hậu quả, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và mọi người.

Điều này dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, làm dư luận xã hội bức xúc, để lại những hậu quả rất nặng nề.

Thượng tá Nhật cho rằng, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, lưc lượng CSGT đã huy động các lực lượng, tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là nồng độ cồn, đã được nhân dân và cơ quan truyền thông đồng tình, ủng hộ.

Trước câu hỏi về sự kỳ vọng vào một Tết an toàn hơn cho người điều khiển, tham gia giao thông khi Nghị định 100 có hiệu lực, Thượng tá Nhật cho hay, lực lượng CSGT chưa dám đề cập đến kỳ vọng.

"Điều quan trọng chúng tôi muốn nhắc tới là cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để thay đổi thói quen của người dân. Pháp luật không cấm uống rượu, bia nhưng khi đã sử dụng rồi thì không điều khiển phương tiện giao thông để đảm bảo an toàn cho mình, người cùng tham gia giao thông", ông Nhật nói.

Thượng tá Nhật thông tin thêm, Cục CSGT đã có chỉ đạo CSGT toàn quốc, gồm các đơn vị của phòng CSGT các tỉnh và Công an tuyến huyện tập trung tăng cường lực lượng, bố trí các phương tiện kiểm tra, đo nồng độ cồn, ra quân triển khai xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Đồng thời phối hợp với các lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy... để kịp thời ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nghị định 100 tạo nét văn hóa tham gia giao thông mới

Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên cán bộ CSGT Hà Nội, Công dân ưu tú Thủ đô, cho rằng mức phạt của Nghị định 100 hiện rất nặng, có thể khiến tài xế mất cả vài tháng lương, bị tước GPLX và giam phương tiện trong thời gian dài, ảnh hưởng tới tài chính, thu nhập.

"Nhưng phạt nặng là cách nhanh nhất răn đe, tài xế sẽ không dám tái phạm. Tôi cho rằng quy định mới là tiền đề thay đổi nếp ăn nhậu, ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Người dân uống rượu bia sẽ có văn hóa hơn. Họ có thể đặt xe, gọi taxi đi nhậu và cách nhậu cũng văn minh hơn, không ép buộc, không quá đà", ông Đoàn bày tỏ.

Cũng theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, Nghị định 100 đang dần tạo thói quen, nếp suy nghĩ mới và thậm chí là nét văn hóa tham gia giao thông mới cho người dân.

Ông nói, tình trạng người dân uống rượu bia vào dịp Tết nhiều hơn so với bình thường, tỷ lệ tai nạn cũng vì thế mà tăng lên. Từ khi Nghị định 100 được ban hành thì những hành vi này đang dần được hạn chế ở mức tối đa. 

"Đi qua các quán bia, quán nhậu đều vắng khách, đi đám cưới, họp lớp, họp cơ quan mọi người cũng không dám uống bia rượu nữa. Đó không chỉ là hiệu quả từ Nghị định 100 mà còn thể hiện được ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe", ông Đoàn bày tỏ.

Ngày 22/1, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết sau khi có quy định cấm lái xe sử dụng rượu, bia, tai nạn giao thông giảm sâu.

Cụ thể, trong tháng 1-2020, toàn quốc xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, làm 591 người chết và 968 người bị thương. So với tháng cùng kỳ năm 2019, giảm 227 vụ tai nạn giao thông (giảm 14,87%), giảm 138 người chết (giảm 18,93%) và 169 người bị thương (giảm 14,86%).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại