"Chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án sân bay Long Thành vào đầu 2021"
Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, Chính phủ đề xuất giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước.
ACV sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không.
Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, TCT Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Giải thích tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Thể cho biết, hiện Chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án.
"Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến bước chọn ai là người triển khai sân bay. Do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước", Bộ trưởng Thể nói.
Phối cảnh sân bay Long Thành.
Ông thông tin thêm, hiện nay ACV là đơn vị đang quản lý, khai thác 21 sân bay. Ngoài ACV, chỉ có Sungroup đã có kinh nghiệm làm sân bay Vân Đồn, tuy nhiên, việc điều hành hoạt động sân bay này cũng là ACV (do Sungroup thuê).
"Do đó, chúng tôi thấy rằng ngoài ACV, không có doanh nghiệp nào có đủ điều kiện đầu tư, quản lý, khai thác sân bay", ông Thể lý giải.
Người đứng đầu ngành GTVT cho biết thêm, nếu đấu thầu, theo Luật Đấu thầu, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, sẽ cần thời gian cho doanh nghiệp nghiên cứu, quyết định tham gia. Kế đó là khâu chấm thầu, công bố trúng thầu.
Cũng theo Luật Đấu thầu, phải có từ 3 doanh nghiệp mới mở thầu. Dưới 3 doanh nghiệp thì sẽ phải xin Chính phủ cơ chế mở thầu đặc biệt trong trường hợp đấu thầu không thành công.
Trong trường hợp này, Chính phủ có thể cho đấu thầu lần 2, nhưng nếu vẫn không đủ 3 DN thì vẫn phải xin mở thầu. Cuối cùng cũng chỉ chọn được ACV bởi các doanh nghiệp khác không quản lý sân bay, chưa làm cảng hàng không thì không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu.
"Chúng ta tổ chức đấu thầu, khả năng lớn nhất vẫn ACV nhưng sẽ chậm hơn 1,5 năm. Khi đó, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 thậm chí năm 2023 mới có thể khởi công", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh "chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021".
Điều chỉnh tăng diện tích sử dụng đất giai đoạn 1 thêm 645 ha
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo nghiên cứu khả thi, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, là đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha.
Đồng thời, điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
Bộ trưởng Thể cho biết, trong quá trình triển khai dự án sân bay Long Thành, Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Quốc phòng.
Bộ Quốc phòng đã có văn bản thống nhất việc bố trí 1.050 ha đất trong đó có 570 ha là đất chuyên dụng quốc phòng, thuộc an ninh quốc gia, khu vực phòng thủ, chỉ Bộ Quốc phòng được sử dụng, 480ha còn lại để dùng chung.
"Như vậy là rất hợp lý. Bởi, nếu làm đường băng chỉ dùng vì mục đích huấn luyện quân sự thì rất lãng phí.
Rút kinh nghiệm tử sân bay Tân Sơn Nhất và một số sân bay, chúng tôi thấy rằng, đất dùng chung như thế là hợp lý nên Chính phủ quyết định bố trí 480ha này là lưỡng dụng", ông Thể nói.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trước đó, theo kế hoạch đã dành 850 ha cho đất quốc phòng nhưng hiện do tiết kiệm đất, thay vì dành cho đường bay dân dụng riêng, nay sẽ dành tiền để làm đường bay sử dụng chung.
Theo đó, quân sự cũng có thể sử dụng dùng để huấn luyện bay quân sự, nếu không sẽ sử dụng cho dân sự.
"Việc này cũng tiết kiệm nên điều chỉnh đất dành cho quốc phòng là đường bay sử dụng chung cũng hợp lý. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thì mục đích bảo vệ tổ quốc là trên hết", bà Ngân nhấn mạnh.
Cần kiểm soát để không mất tiền, mất cán bộ khi làm sân bay Long Thành
Góp ý về dự án sân bay Long Thành tại tổ chiều 24/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện ông thấy yên tâm.
Tuy nhiên, theo ông, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công…
"Kinh nghiệm và qua thực tế thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc xử lý hậu quả sẽ khó lường", ông Khái nói.
Ông đề nghị Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT hết quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.
"Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ", Tổng Thanh tra nhấn mạnh.