Một tỉnh làm 2.000 km đường cao tốc trong 3 năm
Sáng 6/11, giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc phải thay đổi tư duy làm luật như Tổng Bí thư đã phát biểu trước đó.
Trong đó, quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước. “Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề quản lý nhưng chưa nghĩ đến làm thế nào để kiến tạo cho phát triển. Lần này sẽ thể hiện một cách rõ nét hơn. Đây là một vấn đề rất lớn”, ông Dũng nói.
Ngoài vấn đề phân cấp phân quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Minh chứng cho điều này, ông Dũng viện dẫn kinh nghiệm từ một tỉnh của Trung Quốc , làm được 2.000 km đường cao tốc trong 3 năm.
“Tôi có hỏi một bộ trưởng, tại sao làm được nhanh thế? Tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế?” Họ nói, có 3 vấn đề: Một là, các đồng chí có dám vay không? Hai là, có phân cấp mạnh cho địa phương không?
Ba là, họ lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công, xong rồi chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân. Như thế, vừa thu hồi được vốn nhà nước, mà vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân”, ông Dũng chia sẻ và cho rằng, kinh nghiệm này cần phải học tập.
Trong sự phân cấp này, theo Bộ trưởng, Trung ương , Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm “xin – cho”, giảm “quyền anh - quyền tôi”, giảm đùn đẩy, né tránh…
Liên quan đến đề xuất nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, ông Dũng mong Quốc hội cho giữ mức 30 nghìn tỷ đồng , như thế là phù hợp và trong tương lai sẽ không bị lạc hậu. “Đấy cũng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như tôi nói”, ông Dũng cho hay.
Tách bạch 3 bước để chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm
Cũng theo Bộ trưởng KH&ĐT, dự kiến sẽ có 40 dự án trên 10 nghìn tỷ và 30 dự án trên 30 nghìn tỷ. “Nếu với 30 dự án trên 30 nghìn tỷ trong một nhiệm kỳ của Quốc hội , chúng tôi cho rằng đã lớn và nhiều. Nếu chúng ta giảm xuống còn 20 nghìn tỷ thì số này tăng lên nữa. Quốc hội sẽ mất rất nhiều công cho các dự án quan trọng quốc gia”, ông Dũng nói.
Đối với vấn đề tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, theo Bộ trưởng Dũng, đây là “câu chuyện rất nan giải” và cũng sẽ là một bước tiến. Trước đây chỉ quy định 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Bây giờ tách ra làm 3 bước, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Như vậy, khâu giải phóng mặt bằng nằm ở chuẩn bị dự án.
“Nếu tách bạch cả 3 bước, chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Như vậy, chúng ta sẽ tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư. Khi làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng . Đây là một cuộc cải cách rất lớn”, ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH&ĐT cũng đồng ý với các đại biểu Quốc hội, phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, mở ra nhưng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải làm tràn lan.