Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tinh giản đừng ngại va chạm!

CHÂN LUẬN |

Một cơ quan phải làm nhiều việc. Đó là một trong những định hướng quan trọng trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Nhiều năm qua, câu chuyện tinh giản biên chế, cải cách tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính được đề cập thường xuyên với nhiều giải pháp được đưa ra.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Về quản lý biên chế cán bộ, công chức thì hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao…”.

Bộ máy vẫn cồng kềnh

. Phóng viên: Thưa bộ trưởng, nếu vậy thì có vẻ như tinh giản biên chế chưa phải đã phát huy tác dụng?

+ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Nếu nhìn từ 10 năm trở lại đây thì số lượng người được tinh giản biên chế có thay đổi.

Chẳng hạn giai đoạn 2007-2011, theo báo cáo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở trung ương và 63 tỉnh, thành thì đã giải quyết tinh giản biên chế được hơn 69.000 người.

Giai đoạn 2015-2016, tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 17.694 người. Còn riêng năm nay, tính đến giữa tháng 3-2017, tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế là 4.969 người.

Có thể nhận xét rằng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được quản lý chặt chẽ và thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật.

Đặc biệt, thông qua việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có đã xác định được số lượng người cần thiết giữ lại làm việc và những người không đáp ứng được yêu cầu cần tinh giản; từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

. Nhưng mới đây hình như bộ trưởng cũng chưa hài lòng về vấn đề này, nhất là trong cuộc báo cáo trước đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước.

+ Đúng là tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nói chung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ trong một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp hoặc chưa đủ rõ, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tinh giản đừng ngại va chạm! - Ảnh 1.

Hiện nay, thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan, dẫn đến việc quản lý biên chế không đảm bảo thống nhất. Ảnh: HTD

Hoặc là số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định, còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu.

Rồi số lượng các sở được tổ chức thống nhất tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương còn nhiều và chưa phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và điều kiện, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Một số tổ chức chi cục thuộc sở còn chưa được tổ chức lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo tầng nấc trung gian...

Tâm lý nể nang, ngại va chạm

. Đó là về vấn đề tổ chức bộ máy. Còn vấn đề quản lý và tinh giản biên chế thì sao, thưa bộ trưởng?

+ Hiện nay, thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan, dẫn đến việc quản lý biên chế không đảm bảo thống nhất.

Việc xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm của bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn đề nghị bổ sung biên chế. Một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được trung ương giao hằng năm.

Còn về tinh giản biên chế, đến nay vẫn có bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương mình từ năm 2015 đến 2021 và của từng năm.

Điều này dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ hai lần/năm - sáu tháng/lần).

Một số bộ, ngành, địa phương mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản...

. Vậy vấn đề nằm ở đâu khi các nghị quyết, nghị định, quy định về những vấn đề này dường như đã có đủ?

+ Vẫn còn vấn đề giáp ranh, đan xen, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, ngành.

Điều này là do bản thân những vấn đề quản lý rất phức tạp, nên không đơn giản phân định về mặt hành chính, nhất là trong điều kiện thiếu cơ chế phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiệu quả, nên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm các vấn đề giáp ranh, đan xen, giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hoặc với việc tinh giản biên chế thì việc quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt.

Vẫn còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, muốn giữ ổn định tổ chức, biên chế của cơ quan cho đỡ phức tạp. Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức chưa được phát huy và thực hiện trong quá trình tinh giản biên chế…

Một cơ quan phải làm nhiều việc

. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cũng như Chính phủ chắc phải có giải pháp để chấm dứt những tồn tại này. Vì như bộ trưởng nói, nếu không thì mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khó đạt được.

+ Trước hết, việc thành lập các tổ chức hành chính trong hệ thống các cơ quan hành chính cần được thực hiện trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí, điều kiện cụ thể theo quy định.

Thực hiện nguyên tắc phân công quản lý nhà nước “một cơ quan làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Điều này cũng đặt ra vấn đề quản lý biên chế thống nhất của cả hệ thống chính trị cần giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, tránh tình trạng phân tán như hiện nay.

. Vậy với cơ cấu, tổ chức bộ máy thì giải pháp căn cơ là gì, thưa bộ trưởng?

+ Phải kiện toàn cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Đồng thời kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh, huyện được quyết định hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn.

Cùng với đó là phải quy định rõ số lượng cấp phó của người đứng đầu trong các tổ chức hành chính nhà nước các cấp; nghiên cứu hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp… cùng với nhiều giải pháp căn cơ khác.

. Xin cám ơn bộ trưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại