Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ; bà Annie Koh, Giám đốc Học viện, Học viện Thương mại Quốc tế; Giáo sư Tài chính (Thực hành), Đại học Quản lý Singapore; ông Lê Hồng Minh, Đồng sáng lập, Chủ tịch & Giám đốc điều hành – Công ty Cổ phần VNG, Việt Nam và ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia.
ASEAN đã chuẩn bị tốt cho CMCN 4.0?
Phiên thảo luận bắt đầu với câu hỏi dành cho bà Annie Koh rằng liệu ASEAN đã chuẩn bị tốt cho cuộc CMCN 4.0 hay chưa.
"Lý do chúng ta ở đây là rất hào hứng với CMCN 4.0. Tất cả chúng ta đều tin rằng vận mệnh của ASEAN thuộc về những người trẻ tuổi. Chúng ta đã nói rất nhiều về công nghệ, về kỹ thuật số, nhưng hãy nói về bản sắc của ASEAN. Đó là 1 cộng đồng năng động có rất nhiều người trẻ tuổi", bà nói.
Do đó, theo bà Koh, điều quan trọng là ASEAN phải khai phá được tiềm năng của những người trẻ, với công nghệ họ có thể tạo ra bước tiến vượt bậc.
Thứ hai là cần nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ ở ASEAN, bởi hiện tại vẫn có nhiều ng ở ASEAN không được tiếp cận với những thứ đơn giản như công nghệ sử dụng trong y tế, dịch vụ tài chín. Và cuối cùng là sự gắn kết và đồng giữa các quốc gia trong khu vực để có thể tận dụng hết các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này, vì thế vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng bền vững và toàn diện tại khu vực là rất lớn.
Chia sẻ về vai trò của Google trong 1 khu vực như ASEAN, ông Rajan Anandan chia sẻ: "4.0 là nói về kinh tế số. Nền kinh tế số của ASEAN dù đang bùng nổ nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ở ASEAN tỷ trọng nền kinh tế số trong tổng GDP là 7%, trong khi ở Trung Quốc là 16%, 5 nước đứng đầu EU là 20% và Mỹ là 23%".
Theo ông, cần đảm bảo ASEAN có 1 nền kinh tế số mang tính hội nhập cao để dòng chảy dữ liệu và hàng hóa được thông suốt. Và điều quan trọng nhất là đảm bảo con người làm chủ máy móc.
Để ASEAN phát huy hết được các tiềm năng của kinh tế số, điều quan trọng là không chỉ đảm bảo các cá nhân cụ thể có các kỹ năng cần thiết mà còn phải trang bị kỹ năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận chiếm 15% GDP và tạo ra 80% việc làm trong kinh tế khu vực.
Ông Anandan vui mừng thông báo Google cam kết đến năm 2020 sẽ đào tạo kỹ năng cho 3 triệu chủ sở hữu và nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo họ có thể chuẩn bị tốt nhất để bước vào 4.0.
Bộ trưởng trẻ tuổi nhất thế giới nói về vai trò của người trẻ
Cách đây không lâu, ông Syed Saddiq Abdul Rahman đã gây sốt trên toàn thế giới khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia ở tuổi 25, trở thành bộ trưởng trẻ tuổi nhất thế giới. Do đó câu hỏi dành cho nhân vật này là người trẻ ở ASEAN nên làm gì để có thể thích nghi với CMCN 4.0.
"Đối với CMCN có nhiều hào hứng nhưng cũng có những lo lắng làm sao để thích nghi bởi người lao động có thể dễ dàng thất nghiệp nếu không có sự chuyển đổi thích hợp. Dù vậy tôi tin vào tương lai tươi sáng nếu chúng ta được chuẩn bị tốt.
AI và robot có thể cướp việc làm truyền thống nhưng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra như kỹ sư công nghệ, lập trình viên... Bên cạnh đó cũng có rất nhiều startup thành công được sáng lập bởi những ng rất trẻ. Người trẻ được trang bị các kỹ năng và hỗ trợ bởi các chính sách chính phủ sẽ trở thành chủ nhân của tương lai", ông nói.
Chủ tịch VNG: Để thành công trong bối cảnh CMCN 4.0, hãy nghĩ về những thứ thực sự làm bạn hào hứng và đam mê
Là đại diện của các doanh nghiệp trẻ trong nhóm các diễn giả tham gia phiên thảo luận, ông Lê Hồng Minh đã có những chia sẻ rất thú vị về quá trình thành lập Công ty Cổ phần VNG qua đó gửi gắm những lời khuyên cho các bạn trẻ để thích nghi tốt với những thay đổi do CMCN 4.0 đem đến.
"Tôi có thể nói với các bạn sinh viên ở đây là bất kỳ ai có thể chơi game cũng có thể khởi nghiệp.
Tôi thường nói với bạn bè rằng chúng ta là 1 thế hệ rất may mắn vì khi tôi bước vào tuổi vị thành niên những năm 90 cũng là khi máy tính và Internet xâm nhập vào Việt Nam. Bỗng chốc bạn có thể làm rất nhiều thứ trên Internet, bạn có thể chơi game, có thể kết nối những người không ở trong cùng 1 căn phòng.
Bây giờ thì ý tưởng này thật bình thường, nhưng khi tôi ngoài 20 tuổi đó thực sự là thứ kỳ diệu khi có thể ngồi trước máy tính có kết nối Internet, gia nhập 1 forum, gõ 1 dòng chữ và có người sẽ trò chuyện tương tác với bạn. Đó là cách mà thế hệ chúng tôi lớn lên và do đó rất tự nhiên nghĩ rằng hãy xây dựng 1 công ty Internet".
Theo ông Minh, nhiều thứ kỳ diệu hôm nay có thể trở thành điều bình thường trong tương lai khoảng 20 năm nữa. "Ngày nay ai cũng có smartphone trong túi, kết nối với hàng nghìn người, thậm chí có rất nhiều follower trên mạng xã hội như ngài bộ trưởng". "Vì thế đừng làm điều bình thường, hãy nghĩ về những thứ thực sự làm bạn hào hứng và đam mê", ông nói.
Câu hỏi từ bạn sinh viên nữ dành cho đại diện Google khiến cả hội trường vỗ tay thích thú
Buổi thảo luận khép lại bằng những câu hỏi giao lưu của các bạn sinh viên trong khán phòng dành cho các diễn giả. Một bạn sinh viên nữ đã đặt ra câu hỏi rất thú vị cho đại diện của Google, ông Rajan Anandan, rằng tại sao Google chưa mở văn phòng ở Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng.
Câu hỏi thú vị khiến cả hội trường bật cười và trước đó ông Anandan cũng đã chia sẻ ông rất thích đến Việt Nam – một trong những nước có tinh thần doanh nhân mạnh mẽ nhất trong khu vực.
"Việt Nam là nước rất quan trọng với Google với lượng người dùng Internet cực lớn (hơn 15 triệu người) và hệ sinh thái Internet hết sức năng động với các doanh nhân biết tận dụng Internet để kinh doanh nhạy bén hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới".
"Nhưng mỗi đất nước đều có những đặc điểm khác nhau do đó cần cách tiếp cận khác nhau và phải qua nhiều bước. Đầu tiên chúng tôi cần đảm bảo tất cả các sản phẩm (công cụ tìm kiếm, Android, Youtube...) hoạt động tốt.
Thứ hai là đảm bảo giải quyết các rào cản để cho phép các công dân của nước đó tiếp cận Internet như wifi... Cuối cùng là phải đàm phán với các chính phủ về chính sách và khung pháp lý để mở văn phòng đại diện ở Việt Nam", ông nói.
Chốt lại, ông Anandan khẳng định Google rất hào hứng với thị trường Việt Nam và chia sẻ các bạn trẻ Việt Nam cần xây dựng các kỹ năng để khai thác các lợi ích từ Google và hoàn toàn có đủ khả năng để xây dựng 1 "Google tiếp theo".