Bộ trưởng GTVT đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại

Thành Nam |

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, khi xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, ngoài trách nhiệm của lái xe, cần xử lý thật nghiêm minh đối với cả chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý hiện tượng bằng giả, Bộ trưởng GTVT còn đưa ra đề xuất tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng, xin thêm bằng lái thứ hai, thứ ba.

Tại phiên giải trình ngày 6/3, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe còn tồn tại tâm lý không muốn học bài bản nhưng muốn có giấy phép.

Từ đó, một số cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, thay vì dạy bài bản lại chuyển sang dạy mẹo, thậm chí còn có hiện tượng “bao thi”, “bao đỗ”.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, công tác đào tạo lái xe hiện còn hình thức, sơ hở. “Nhiều lái xe bảo, ở trong trường học được bao nhiêu đâu, chủ yếu ra ngoài vừa lái vừa nâng cao tay nghề thôi.

Khi cầm bằng lái bước ra xe, phải đạt chín muồi về lý thuyết và thực hành, kỹ năng ứng xử, phản xạ phải đạt được tiêu chí nhất định.

Nhưng bây giờ không đạt, với xe 2 bánh hầu như mua bằng , cử tri phản ánh rất đúng, cần kiểm tra lại”, ông Nghĩa nêu.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe.

Theo đó, nội dung giảng dạy phải thay đổi, tăng cường các tình huống tập lái xe trong sa hình.

Khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý hiện tượng bằng giả, ông Thể còn đưa ra đề xuất tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng, xin thêm bằng lái thứ hai, thứ ba.

Thu bằng lái vĩnh viễn, nếu lái xe dùng ma tuý?

Tại phiên giải trình, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị làm rõ tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy mà lâu nay dư luận phản ánh.

Đáng lưu ý là, chỉ đến khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra mới được chú trọng.

Bên ngành trách nhiệm từ lái xe, nhiều ý kiến còn đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của chính doanh nghiệp vận tải. “Cứ nói ý thức của dân, nhưng đầu tiên phải kể đến trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý vi phạm không nghiêm.

Xử lý anh lái xe dùng ma tuý, chở quá tải vì sao không xử lý chủ doanh nghiệp? Lái xe chở quá tải thì anh là đồng phạm, tôi có thể xử lý trách nhiệm pháp nhân của anh.

Việc xử lý của ta còn nhiều quá vấn đề cả hành chính và hình sự”, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu.

Cho rằng một số luật, nghị định chưa đủ sức răn đe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến người sử dụng ma tuý là trách nhiệm hình sự, vi phạm dẫn đến chết người, nhưng mức phạt theo quy định hiện chỉ là tước giấy phép lái xe trong khoảng 2 năm, sau đó vẫn cho tiếp tục sử dụng.

“Lái xe đã vi phạm pháp luật thì không đủ tư cách, đạo đức để được lao động như một công dân bình thường.

Bộ đang đề xuất, nếu lái xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng phải thu hồi vĩnh viễn bằng lái, hoặc tăng thời gian thu hồi bằng trong vòng 10-15 năm để bảo đảm tính răn đe”, ông Thể nói.

Cũng theo “tư lệnh” ngành giao thông, vấn đề không chỉ là xử lý lái xe, mà phải xử lý cái gốc là doanh nghiệp thuê lái xe . “Anh phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát.

Khi để lái xe sử dụng ma tuý gây tai nạn nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp, hoặc nếu có phương tiện mà khoán trắng cho lái xe cũng là không làm hết trách nhiệm.

Nếu chúng ta làm nghiêm, tôi tin chắc ý thức xã hội sẽ từng bước chuyển biến”, ông Thể cho hay.

Xử lý nghiêm mãi lộ, chung chi

Tại phiên giải trình, nhóm nghiên cứu cho rằng, bên cạnh những đóng góp, hy sinh vất vả của lực lượng cảnh sát giao thông, thì một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, được dư luận phản ánh nhiều năm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để vấn đề này.

Giải trình về việc này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông cũng rất muốn ngồi trong phòng điều khiển giao thông chứ không phải ra đường đối mặt với nguy hiểm, bệnh tật.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, vấn đề hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hiện nay chưa được như mong muốn.

“Cảnh sát giao thông có mặt là do ý thức người tham gia giao thông còn nhiều vấn đề. Có nước nào người dân dừng giữa đường cao tốc ăn uống, tỉ lệ người dùng rượu bia vi phạm giao thông nhiều như Việt Nam”, ông Sơn nêu.

Với tinh thần cầu thị, Thứ trưởng Công an tiếp thu những ý kiến góp ý, kể cả những tiêu cực trong khi thi hành công vụ. “Một mặt chúng tôi vẫn chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý, mặt khác cũng lắng nghe ý kiến, nếu cung cấp thông tin chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc.

Nếu các cơ quan thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ góp phần làm cho xã hội nghiêm minh”, ông Sơn nói.

Trước những phản ánh về hiện tượng mãi lộ, tiếp tay, bảo kê cho vi phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị lắp đặt 100% hệ thống camera tại các điểm tuần tra, kiểm soát giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại