Nhiều tuyến Quốc lộ đang xuống cấp nghiêm trọng; cầu chờ đường, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu sự phối hợp giữa ban thuộc Bộ với chính quyền địa phương.
Đó là những vấn đề nổi bật tại buổi làm việc của Bộ Giao thông vận tải với tỉnh Gia Lai diễn ra sáng nay (21/8).
Tỉnh Gia Lai hiện có một cảng hàng tiêu chuẩn 4C, 6 tuyến Quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh cùng hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 12.000 km.
Hạ tầng giao thông của tỉnh được đánh giá là yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Đặc biệt, một số đoạn tuyến thuộc quốc lộ, tỉnh lộ hiện vẫn còn là đường đất hoặc xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét có ý kiến với Chính phủ, Quốc hội để bố trí nguồn vốn thực hiện một số dự án giao thông quan trọng, cấp thiết như: Quốc lộ 25, Quốc lộ 19, Quốc lộ 14C.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai.
Đối với hai dự án quan trọng là Quốc lộ 19 và Quốc lộ 25, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội, Chính phủ đều đã có chủ trương đồng ý thực hiện các dự án này.
Tuy nhiên, để các dự án sớm triển khai, cùng với sự vào cuộc của Bộ, tỉnh Gia Lai cũng cần phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh Bình Định, Phú Yên để làm việc với các Ủy ban của Quốc hội cũng như các bộ ngành và Chính phủ.
Làm sao để dự án sớm được phê duyệt vì nguồn vốn cho các dự án này đều đã có.
Về một số dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý như dự án dự án tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Pleiku, dự án tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Chư Sê, dự án Quốc lộ 14C và dự án Cầu 110, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định tiến độ thực hiện khá chậm.
Qua khảo sát thực tế, Bộ trưởng thẳng thắn phê bình nghiêm khắc các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ khi thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện dự án.
Trong khi dự án chính là Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chỉ mất 2,5 năm hoàn thành, các dự án phụ được thực hiện bằng nguồn vốn dôi dư lại mất thời gian từ 2015 tới nay chưa xong, đó là lỗi lớn của các Ban quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lấy ví dụ: “Cầu 110, dưới có mười mấy hộ, có 300-400m, đáng lẽ, trong quá trình thi công cầu phải bám sát địa phương để giải phóng mặt bằng, để làm đường vào cầu.
Không thể để cầu đã làm xong, bây giờ phải chờ đường vào cầu, nó rất vô lý. Tôi đề nghị phê bình cả Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Ban 6, công tác giải phóng mặt bằng không bám sát tỉnh.
Đến thời điểm này, đồng chí Chủ tịch tỉnh cũng không biết Ban nào quản lý Cầu 110 và cũng không biết còn 11 hộ, rõ ràng công tác phối hợp quá kém mà đặc biệt là các Ban của Bộ”.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị tỉnh Gia Lai quan tâm hơn đến công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.
Cùng với đó, tỉnh cần có các giải pháp quyết liệt trong việc xóa các điểm đen về giao thông, nhất là trên các tuyến Quốc lộ./.