Sự giúp đỡ chí tình và lớn lao của Liên Xô và Nga với QĐ Việt Nam
Trong Kháng chiến chống Mỹ và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Việt Nam nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng đã nhận được sự giúp đỡ chí tình và lớn lao của các nước XHCN Đông Âu. Trong đó, Liên Xô là người bạn lớn nhất, giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất.
Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Cộng hòa Liên bang Nga đã kế thừa và vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, và đặc biệt là hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự.
Hai Bộ trưởng duyệt đội danh dự. Ảnh: QĐND.
Bên cạnh vũ khí, trang bị, chỉ trong 41 năm, từ năm 1950 đến năm 1991, Liên Xô đã tiếp nhận và đào tạo gần 50.000 công dân Việt Nam. Trong đó có khoảng 30.000 người ở trình độ đại học, ngót 3.000 phó tiến sĩ, khoảng 200 tiến sĩ khoa học và hàng chục vạn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh.
Riêng trong lĩnh vực quân sự, hơn 13.000 quân nhân Việt Nam đã được Liên Xô đào tạo khá bài bản, nhiều người sau này đã trở thành tướng lĩnh, chỉ huy cấp cao, có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong đó, Liên Xô đã đào tạo hàng ngàn phi công, kỹ sư, kỹ thuật viên, trắc thủ tên lửa và sĩ quan tham mưu các cấp... làm nòng cốt để bộ đội PK-KQ Việt Nam lập nên những chiến công oanh liệt, đánh bại không quân và không quân Hải quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc mà đỉnh cao là hạ gục hàng loạt pháo đài bay B-52 Mỹ, chấn động địa cầu.
Ngày nay, vũ khí, trang bị có xuất xứ từ Nga (Liên Xô) vẫn đang đóng vai trò là xương sống trong sức mạnh tổng thể của QĐND Việt Nam. Với quan hệ truyền thống tốt đẹp hy vọng Nga sẽ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các loại vũ khí trang bị thế hệ mới với nhiều ưu đãi.
Tên lửa phòng không S-125 Pechora của Việt Nam. Ảnh: QĐND.
Bộ trưởng BQP Nga Shoigu thăm Việt Nam, kỳ vọng những hợp đồng lớn
Việt Nam xác định xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân binh chủng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại như Hải quân, Phòng không - Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển; đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện "từng bước hiện đại" ở các lực lượng khác.
Mặc dù điều kiện ngân sách đầu tư cho mua sắm mới chưa nhiều, nhưng trước yêu cầu thay thế vũ khí trang bị cũ và tiến kịp trình độ khu vực và thế giới, có thể trong thời gian tới, sẽ có một số hợp đồng sẽ được ký kết.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam, Nga đã, đang và sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt với không chỉ Mỹ mà còn cả các nước phương Tây và các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh.
Tuy nhiên, với Quân đội Nhân dân Việt Nam, vũ khí Nga có nhiều lợi thế nhờ được đánh giá tốt, bền, hoạt động tin cậy, giá cả phải chăng hơn so với các dòng vũ khí của phương Tây.
Hơn nữa, các quân nhân Việt Nam vốn quen dùng nên sẽ dễ dàng tiếp cận, chuyển loại và làm chủ vũ khí trang bị có xuất xứ từ Nga nhanh hơn, thuận lợi hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo.
Vậy trong vòng 5-10 năm tới, những loại vũ khí nào của Nga có thể sẽ có cơ hội được Việt Nam quan tâm?
Về hải quân: Có thể Việt Nam sẽ đặt mua tiếp cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 (chiếc số 5 và 6) với cấu hình vũ khí mạnh hơn sau quá trình đàm phán lâu dài, đồng thời triển khai tiếp loạt tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya cải tiến.
Ngoài ra, các tàu ngầm, tàu tên lửa cỡ nhỏ nhưng uy lực với lượng choán nước trên dưới 1.000 tấn thế hệ mới của Nga cũng đáng được cân nhắc. Để phòng thủ trên hướng biển, các tổ hợp tên lửa bờ hiện đại như Bastion-P và Bal-E là lựa chọn tốt.
Tàu ngầm tiến công cỡ nhỏ Piranha thuộc dự án 865 của Nga.
Về phòng không - không quân: Nhằm thay thế các loại tiêm kích, tiêm kích bom đã cũ, trong vài ba năm tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải mua máy bay mới.
Trong đó, Su-35 là lựa chọn tốt bởi đây là máy bay thế hệ 4,5 được trang bị nhiều công nghệ của tiêm kích tàng hình thế hệ 5, phù hợp với xu thế hiện đại hóa không quân của các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Trung Quốc.
Ngoài ra, tiêm kích đa năng MiG-35 có nhiều cải tiến đột phá, chi phí vận hành thấp cũng đang được Nga chào bán ra thế giới có thể được cân nhắc để vừa lấp khoảng trống mà MiG-21 và Su-22 để lại, vừa nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng thể cho các đơn vị không quân.
Tiêm kích Su-35 và Su-57 (T-50 Pak-FA)
Trực thăng quân sự Nga cũng có nhiều lợi thế, trong đó Mi-171Sh và Mi-17V5 có nhiều ưu điểm bởi tính đa năng, vừa làm nhiệm vụ vận tải, vừa có thể làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa đủ điều kiện mua sắm trực thăng tấn công chuyên nhiệm.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang chào bán khắp thế giới các hệ thống tác chiến điện tử cùng nhiều loại radar, tên lửa phòng không thế hệ mới như S-400 đáng để xem xét.
Về lục quân: Ngoài xe tăng T-90S mà Việt Nam đã đặt mua gần đây thì các loại xe chiến đấu bộ binh và xe thiết giáp chở quân Nga như BMP-3, BTR-82A với modul vũ khí hiện đại và nhất là tên lửa chống tăng Kornet, sau những màn trình diễn chói sáng ở Syria sẽ có cơ hội.
Hy vọng ngay tại chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Shoigu sẽ có một số hợp đồng mua bán vũ khí mới được ký kết, giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam.