Phát biểu của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng: Hiện nay đang có tình trạng cả làng ăn bẩn vẫn vui!
Ông Đinh La Thăng cho biết: “Hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm rất đáng băn khoăn, số liệu các bộ ngành báo cáo cần xem lại, tôi không tin báo cáo này vì việc lấy mẫu của chúng ta còn nhiều vấn đề”.
Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh điều quan trọng nhất cần phải xác định nguyên nhân của tình trạng mất an toàn thực phẩm là từ đâu. Nếu không xác định được nguyên nhân, không quy được trách nhiệm thì không thể xử lý.
Bí thư Thăng nói hiện nay chúng ta đang ở trong tình trạng “cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui vì chưa chết ai". Không thể để mãi tình trạng như thế này được.
Thứ hai, theo ông Thăng, cơ chế chính sách chưa tạo điều kiện để những người nuôi trồng tiêu thụ sản phẩm làm ra. Hệ thống bán lẻ chưa được tổ chức quy mô, người dân còn bán lẻ vặt vãnh để có lợi nhuận cao.
Thứ ba, công tác thanh tra không nghiêm vì còn tình trạng bao che, thông đồng vì lợi nhuận quá lớn. Ông Thăng cũng chỉ cụ thể một số lò mổ bất hợp phát ở địa phương không biết vì sao vẫn tồn tại.
Một vấn đề nữa,cần xác định quyền hạn trách nhiệm trong dự thảo chỉ thị mới của Thủ tướng về an toàn thực phẩm, phải “xác định xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong an toàn thực phẩm.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về An toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng ngày 27/04.
Cụ thể nếu phát hiện ra chất cấm bị nhập vào nước ta thì trách nhiệm của ai. Ví dụ như salbutamol nhu cầu chỉ cần 10kg mà nhập cả tấn không có chuyện nhập về mà không hỏi bộ khác, cần xử lý nghiêm.
Bí thư Thăng cũng đưa ra biện pháp chúng ta nên giao cho lực lượng cựu chiến binh ở các địa phương thực hiện giám sát an toàn thực phẩm, vì lực lượng này họ đã qua thử lửa chiến tranh, không thể lọt đi đâu được.
Ngoài ra cần có sự phối hợp của các địa phương ví dụ như TP.HCM thì phải có sự phối hợp các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai…
Cần quản lý chặt chẽ các chợ hoá chất, các nguồn hàng nhập khẩu vào. Các địa phương quản lý nguồn hàng nhập về địa phương, quản lý các lò giết mổ, các trại chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản. Nếu xiết chặt quản lý sẽ tốt lên.
Ông Thăng cũng đề nghị không đẻ thêm giấy phép con.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Chất cấm không gây ung thư trên người!
Bí thư tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cho biết có ba điều quan trọng nhất là con người là ăn – uống – thở là 3 nhu cầu chính, ăn thì toàn thực phẩm bẩn dù không tất cả nhưng rất lớn.
Ông Chiến đặc biệt lo ngại vấn đề cá chết hiện nay nếu không quản lý không tiêu huỷ tốt họ sẽ tiến thành mắm ruốc rồi đi tiêu thụ khắp nơi thì hậu quả rất lớn.
Ngoài ra trong thực phẩm bẩn còn phải kể đến nước giải khát giả, nhiều chất kích thích có hại cho sức khoẻ.
Về đường thở, tuy không khí ở các thành phố lớn nước ta chưa đến mức ô nhiễm như Bắc Kinh nhưng quản lý không tốt sẽ tiến dần đến mức độ như Bắc Kinh. Dễ hiểu vì sao Việt Nam là 1 trong những nước có tỷ lệ ung thư nhiều.
Ông Chiến cho rằng cần xiết chặt đầu vào ở Trung ương. Ví dụ đầu vào các chất cấm salbutamol, dẫn xuất của chất độc da cam ăn vào đột biến gen, các loại thực phẩm nhập vào đất nước của chúng ta.
Nếu quản lý tốt ở các cấp cao thì các tỉnh thành sẽ dễ dàng quản lý an toàn thực phẩm hơn.
Ông Chiến cũng nêu ra tình trạng 1 bàn ăn có 3 bộ xử lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương) vì vậy việc quy trách nhiệm rất khó.
Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, quan trọng nhất là Bộ Nông nghiệp. Nếu Bộ Nông nghiệp lo tốt khâu sản xuất rau sạch, thịt sạch thì yên tâm rồi.
Cũng theo ông Chiến, chỉ riêng Bộ Y tế là cơ quan chủ quản tham mưu lo vấn đề an toàn thực phẩm là không ổn. Cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, khối sản xuất lớn gắn với tiêu thụ.
Chính phủ phải tổ chức được sản xuất lớn mới quản lý được sản phẩm. Nếu để tình trạng nhỏ lẻ rất khó kiểm soát. Trung ương quản lý chặt đầu vào thì địa phương, tỉnh thành sẽ thành công.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm VSATTP.
Sản phẩm do nhà máy sản xuất hay bày bán trong siêu thị thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào luật quy định rất rõ.
Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo Viet GAP, Global GAP, kết nối với DN phân phối.
Trong thanh kiểm tra ATTP, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm.
Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cơ bản kiểm soát việc buôn lậu thuốc BVTV, chất bảo quản, chất cấm; cơ bản kiểm soát việc làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Khi nói về vấn đề chất cấm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chất cấm không gây ung thư trên người. Nhưng đáng quan tâm là chất cấm sẽ gây ra các vấn đề như ngộ độc thực phẩm, ngộ độc cấp tính đường ruột và ngộ độc thần kinh.
Theo Bộ trưởng Tiến, ung thư do thực phẩm chỉ là 1 phần. Phần lớn các nguyên nhân là các bệnh truyền nhiễm, thuốc lá, bia rượu, rồi mới đến thực phẩm.