Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH chia sẻ tâm tư trước khi hợp nhất với các bộ

VĂN PHÚC |

“79 năm qua, ngành đã có 24 đời bộ trưởng và tôi có thể là bộ trưởng cuối cùng của bộ này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 tổ chức ngày 27-12, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã chia sẻ những cảm xúc khi nhìn lại hành trình 79 năm của ngành LĐTB-XH, đồng thời thông tin những nội dung, kế hoạch hợp nhất với các bộ khác theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về tương lai ngành LĐTB - XH - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trải qua 79 năm với 4 lần hợp nhất và đổi tên, ngành LĐTB-XH đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong dòng chảy lịch sử đó, ngành đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Bộ trưởng cũng bày tỏ niềm tự hào khi ngành đã đạt được những thành tựu vượt trội, từ hoàn thành trước 10 năm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo đến việc được quốc tế ghi nhận trong chính sách an sinh xã hội.

Ông Dung chia sẻ: “79 năm qua, ngành đã có 24 đời bộ trưởng và tôi có thể là bộ trưởng cuối cùng của bộ này. Những thành quả của ngành là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, viên chức”.

Tinh thần hợp nhất nghiêm túc và trách nhiệm

Theo kế hoạch, từ năm 2025, Bộ LĐTB-XH sẽ hợp nhất với Bộ Nội vụ, đồng thời chuyển giao một số lĩnh vực cho các cơ quan khác. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ bàn giao cho Bộ GD-ĐT, lĩnh vực giảm nghèo chuyển sang Ủy ban Dân tộc. Các Cục Bảo trợ xã hội, Bảo vệ trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội sẽ chuyển sang Bộ Y tế quản lý. Các mảng, bộ phận còn lại như lao động - việc làm và chính sách người có công sẽ hợp nhất với Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về tương lai ngành LĐTB - XH - Ảnh 2.

Bộ trưởng Dung khẳng định: “Sau khi hợp nhất, các công việc của ngành vẫn phải tiếp tục được triển khai, chỉ khác mô hình tổ chức. Chúng ta cần lắng nghe, chấp hành và làm tốt nhất công việc của mình”. Ông cũng đề nghị cán bộ trong ngành giữ vững tinh thần, tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng và nỗ lực để tiếp tục lan tỏa tiếng thơm đã xây dựng gần 80 năm lịch sử của ngành LĐTB-XH.

Tiếp tục phát huy truyền thống

Bên cạnh việc sẵn sàng cho quá trình hợp nhất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, bao gồm: cần tổ chức Tết Nguyên đán Ất Tỵ đầm ấm và hạnh phúc cho mọi người dân; triển khai hội nghị toàn quốc xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu xóa 450.000 căn nhà không đảm bảo; tổ chức hội nghị tuyên dương những tấm gương thầm lặng toàn quốc lần thứ 2 (tại TPHCM) và đặc biệt là thực hiện nghiêm túc quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về tương lai ngành LĐTB - XH - Ảnh 3.

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của ngành LĐTB-XH trong suốt chặng đường lịch sử, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội và lao động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần đảm bảo tốt chính sách lao động (mức lương tối thiểu) và việc làm không phân biệt đối xử, hướng tới hội nhập quốc tế và phù hợp với thông lệ toàn cầu”.

Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tập trung vào ba nhiệm vụ lớn: sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức Đại hội Đảng các cấp để hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc và duy trì tăng trưởng kinh tế trên 7%.

Theo Phó Thủ tướng, khi sắp xếp lại bộ máy, dù ở cơ quan nào thì cũng không được để gián đoạn công việc trong ngành LĐTB-XH. “Các chính sách lao động, người có công và an sinh xã hội sẽ không thay đổi mà phải làm tốt hơn, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị toàn thể cán bộ, viên chức ngành LĐTB-XH nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp đã đạt được trong suốt những năm qua để bước vào giai đoạn mới với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại