Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bao gồm các vấn đề về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa. Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ GTVT. Cùng với đó là trách nhiệm trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung trên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Lắng nghe để sửa sai, làm tốt
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, bộ luôn lắng nghe tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu trong phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông, nhằm kịp thời hoàn thành các công trình giao thông chiến lược hiện đại, an toàn để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, đóng góp hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn ngày 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trong bối cảnh kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn thách thức, toàn ngành giao thông đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành còn những tồn tại, hạn chế cần quyết liệt xử lý như tai nạn giao thông, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch, cấp, quản lý, thu hồi giấy phép… Bộ trưởng cho biết, những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là động lực để bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Chưa kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư PPP
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) chất vấn, hiện nay có một số dự án chúng ta đã phê duyệt chủ trương theo hình thức BOT. Tuy nhiên sau đó chuyển qua hình thức đầu tư công, dự án chưa triển khai thực hiện, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc này làm thời gian chuẩn bị kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau. Do đó, ĐB đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời ĐB Trần Anh Tuấn, Bộ trưởng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân ông và của Bộ GTVT khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
Bộ trưởng GTVT cho rằng cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp thông qua xem xét có điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách. Trường hợp thay đổi cơ chế chính sách thì điều khoản chuyển tiếp như thế nào; bên cạnh đó, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến ngân hàng…
Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…
Đại biểu chất vấn việc cấp giấy phép lái xe cho người nghiện
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) : Giải pháp của Bộ trưởng mới chỉ là tình thế tranh luận, ĐB Nguyễn Trường Giang nhắc lại ý trả lời trước đó của Bộ trưởng Bộ GTVT là việc đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời điểm hiện nay thì không đáng lo. ĐB cho rằng, Bộ trưởng trả lời như vậy chỉ đúng một phần, bằng một số giải pháp cấp bách như kéo giãn thời gian đăng kiểm đối với chu kỳ đăng kiểm phương tiện cá nhân dưới 7 chỗ. Theo ĐB, 75% các trung tâm hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài Nhà nước khi đầu tư thì họ phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên với cơ chế tài chính như hiện nay, rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các trung tâm đăng kiểm mà họ xin phép đã được thành lập. Do đó, thời gian tới, ĐB đề nghị cần có đổi mới về cơ chế tài chính, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện, đây mới là giải pháp có thể đảm bảo tính lâu dài. Còn nếu chỉ kéo giãn ra và vẫn giữ cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó có thể tồn tại các TTĐK do doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Bộ trưởng thông tin, đến nay có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố; trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 TTĐK phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.
Đến nay, bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực. Đồng thời để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. "Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe", Bộ trưởng nói.
Để khôi phục lại đăng kiểm, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý. Việc này để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các TTĐK, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường. Ngoài ra, Bộ GTVT tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho biết, tại báo cáo của Bộ GTVT gửi ĐB có nêu, theo thống kê, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định, như giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn. ĐB Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT có giải pháp gì để siết lại tình trạng này?
Thứ hai, thời gian qua, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn nhiều hạn chế như đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện, công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. ĐB Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấm dứt tình trạng trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này?
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn), Bộ trưởng nhìn nhận đây là một thực trạng, dư luận và báo chí đã phản ánh. Bộ trưởng dẫn chứng vừa qua, tại Quảng Bình có vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 15 người. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố lái xe và chủ doanh nghiệp vì hành vi buông lỏng quản lý, giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe.
Theo Bộ trưởng, việc phân định rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm được nghiên cứu và tích hợp vào các dự thảo Luật giao thông đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để xử lý.
Liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng ghi nhận ý kiến ĐB và cho biết vừa qua Bộ GTVT đã thanh tra toàn diện 63 tỉnh, thành trong cả nước về sát hạch cấp giấy phép lái xe. Qua thanh tra phát hiện chất lượng đào tạo, thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, phát hiện cả việc đào tạo, thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho người nghiện, người không đủ điều kiện cấp giấy phép. Khi phát hiện, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT chuyển 6 bộ hồ sơ sang công an điều tra làm rõ.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi thông tư siết chặt quản lý, để trong thời gian tới không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người nghiện. Đồng thời, chỉ đạo các Sở GTVT tỉnh, thành tập trung xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng này.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM tại phiên chất vấn ngày 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách Nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án. Đơn cử khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách Nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản. Bộ trưởng giải quyết vấn đề trên như thế nào, ĐB Lê Hoàng Anh đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin thêm, tới đây, khi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành, sẽ còn nhiều dự án BOT bị ảnh hưởng lưu lượng. “Đoạn cao tốc Bình Thuận - Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành thì có dự án BOT giảm 83% doanh thu. Vừa đi nhanh hơn lại không mất tiền, đương nhiên người dân sẽ chọn”, ông nói. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Luật PPP đã lường trước việc này. Nếu doanh thu vượt 125% thì nhà đầu tư sẽ chia sẻ với Nhà nước, thấp hơn 70% thì Nhà nước sẽ chia sẻ lại với nhà đầu tư. “Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT tham mưu, trình cơ chế xử lý cụ thể cho từng trường hợp”, Bộ trưởng cho biết.
ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) chất vấn, hiện nay một số tuyến đường quốc lộ không đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số tỉnh đề xuất chủ trương với Bộ GTVT và với Chính phủ là có cơ chế cho phép các tỉnh dùng ngân sách của địa phương để đầu tư mở rộng các tuyến đường này, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?
ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời chất vấn ĐB Nguyễn Văn Mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, các tuyến đường còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Nhu cầu lớn nhưng ngân sách Trung ương chỉ bố trí được khoảng 66%, không thể đáp ứng đầu tư các tuyến quốc lộ. Trong bối cảnh ngân sách Trung ương có hạn, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ sẽ rất tốt, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này.
Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, cầu Như Nguyệt trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang do ngân sách Trung ương đầu tư, Bộ GTVT quản lý, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bắc Giang, nhưng khi trả lời ĐB Nguyễn Văn Mạnh, Bộ trưởng nói cần chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này?
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chất vấn, hiện nay vụ việc sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) gây bức xúc trong dư luận xã hội. Kéo theo đó là việc người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đăng kiểm xe cơ giới. Vậy Bộ trưởng có giải pháp nào?
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình). Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời ĐB Đặng Bích Ngọc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm này chỉ còn 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên. Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với địa phương và bộ đã trực tiếp đào tạo nhân lực do địa phương giới thiệu để thi tuyển, cấp chứng chỉ để có thể giữ chức vụ lãnh đạo của TTĐK. Còn về đăng kiểm viên, Bộ GTVT đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đầy đủ, dự kiến sẽ sớm mở lại TTĐK này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Cuối buổi chiều 7-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với 5 đại biểu chất vấn và 3 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng sẽ đưa ra câu trả lời trong phiên họp sáng mai ngày 8-6.
Trước khi vào phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có báo cáo gửi đến Quốc hội giải trình một số nội dung thuộc lĩnh vực giao thông vận tải mà các đại biểu (ĐB) quan tâm.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định, báo cáo của Bộ GTVT chỉ ra thực trạng và sai phạm, trong đó từ tháng 10-2022 đến nay, có gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra sai phạm.
Đến thời điểm hiện nay có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 TTĐK, 4 Chi cục Đăng kiểm. Cùng với đó có đến 106/281 TTĐK trên cả nước phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra.
Việc tạm dừng TTĐK và thiếu hụt đăng kiểm viên đã dẫn đến ùn ứ trong việc phục vụ người dân, đặc biệt có những thời điểm, tại Hà Nội chỉ có 6/31 và TPHCM có 8/19 TTĐK hoạt động đã tạo ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ GTVT thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu của bộ cũng chưa sát sao, kịp thời nhận diện những bất cập, phát sinh để tham mưu cho bộ chỉ đạo sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu.
Về tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nước ta liên tục kéo giảm cả 3 chỉ tiêu gồm số vụ, số người chết và số người bị thương.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây ùn tắc giao thông kéo dài tại các thành phố lớn, chủ yếu vào giờ cao điểm, giờ tan tầm (đặc biệt là tại TP Hà Nội và TPHCM) tuy đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, nhất là vào những thời điểm mưa, bão, triều cường dẫn đến ngập sâu, gây ùn tắc giao thông kéo dài.
Trước năm 2022, vào các dịp cao điểm, các trạm thu phí BOT là tâm điểm về ùn tắc giao thông nhưng sau khi triển khai hệ thống thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc, ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí đã được giải quyết một cách căn bản.
Việc đưa vào khai thác đường vành đai 3 và chuẩn bị đầu tư đường vành đai 4, 5 của Hà Nội; vành đai 3, 4 của TPHCM sẽ tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại và giảm ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ của các thành phố lớn nhất của Việt Nam.
Các ĐBQH đoàn TPHCM dự phiên chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và các ĐBQH đoàn Điện Biên dự phiên chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC