"Ratnik thế hệ thứ 2 có thể ngăn cản được cú bắn trực tiếp của súng bắn tỉa SVD Dragonov từ khoảng cách 10m với đạn lõi thép xuyên giáp. Nó giúp người lính sống sót được khi trúng đạn trực tiếp vào ngực, lưng và bảo vệ nhiều bộ phận sinh tồn quan trọng khác của binh sĩ", chuyên gia O. Faustov nói.
Theo lời chuyên gia Viện nghiên cứu TsNIITOCHMASH, các phiên bản của hệ thống Ratnik đã được thử nghiệm thực chiến tại chiến trường Syria và đạt kết quả thành công ngoài mong đợi về các yếu tố sinh tồn, kết nối chiến trường…
Binh sĩ Nga trang bị hệ thống Ratnik tham chiến ở Syria.
Liên quan tới hệ thống Ratnik thế hệ 2, Giám đốc Viện nghiên cứu TsNIITOCHMASH, Dmitry Semizorov cho biết, lực lượng đổ bộ đường không Nga đã tiếp nhận các hệ thống Ratnik mới từ đầu năm 2017 và có đánh giá tích cực về hệ thống trang bị người lính mới.
Theo các thông tin công khai, Quân đội Nga đã bắt đầu trang bị hạn chế hệ thống Ratnik cho một số đơn vị đổ bộ đường không, thủy quân lục chiến và lục quân từ năm 2016. Trong năm 2017, Quân đội Nga sẽ có thêm hơn 50.000 hệ thống trang bị Ratnik mới. Với tốc độ trang bị hiện tại, tới đầu những năm 2020, binh sĩ Nga sẽ cơ bản được trang bị hệ thống Ratnik và các thiết bị đi kèm.
Hệ thống Ratnik là tập hợp khoảng 50 trang, thiết bị khác nhau, bao gồm vũ khí, hệ thống quan sát, giáp bảo vệ, thông tin liên lạc, định vị, dẫn đường, cấp cứu và hệ thống ngắm bắn mục tiêu… Trang bị mới sẽ biến mỗi binh sĩ Nga là thành phần trong hệ thống tác chiến C4I (một yếu tố của phương thức Tác chiến lấy mạng làm trung tâm) để nâng cao hiệu quả tác chiến của toàn quân đội.
Theo nhiều nguồn tin, đồng hành với Ratnik, giới chức quân sự Nga đang tham vọng trang bị chuẩn vũ khí mới với cỡ đạn tiêu chuẩn mới để tối ưu giữa tầm bắn và khả năng sát thương.
Liên quan tới tổ hợp trang bị Ratnik, hồi tháng 10-2016, xuất hiện thông tin về việc Nga đang thử nghiệm phiên bản nâng cấp mới của tổ hợp trang bị dành cho người lính với tên gọi Ratnik-3.
Tổ hợp Ratnik-3 có thể được tích hợp hệ thống khung xương kim loại điều khiển cơ khí (exoskeletal) và thiết bị nhận diện, chỉ thị mục tiêu lắp trên mũ của người lính và loại vải ngụy trang đặc biệt có thể tự thay đổi màu sắc để tương ứng với môi trường xung quanh.