Đội lính cứu hỏa thuộc tộc người Tenharim. Nguồn: CNN
Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc các nhân viên trong đội cứu hỏa thuộc tộc người Tenharim có thể tiếp cận với những ngọn lửa bùng cháy dữ dội đang thiêu rụi thảm thực vật xanh tốt của rừng mưa nhiệt đới Amazon.
Không có máy bay phun nước cứu trợ hay trực thăng tiếp tế, chỉ bằng sức người và những vật dụng thô sơ như xẻng, máy thổi lá, băng băng trên xe jeep, xe máy cũ, những người lính cứu hỏa nhỏ bé xông pha chiến đấu với giặc lửa. Họ tập trung cao độ vượt qua những con đường rừng gập ghềnh lửa cháy bao quanh, ngập tràn tro bụi.
Những người lính cứu hỏa này là người Tenharim – bộ tộc bản xứ sống trong rừng Amazon chỉ có vài chục người.
Trước khi hỏa hoạn xảy ra, họ sống bên rìa rừng. Tuy nhiên, các vụ cháy liên tiếp khiến họ phải di cư đến sống trong một ngôi làng cách khu rừng 3 tiếng lái xe. Nhiều người Tenharim lo ngại nạn phá rừng tràn lan sẽ khiến họ không còn nơi ở.
Những người lính cứu hỏa Tenharim xông pha chiến đấu với giặc lửa. Nguồn: CNN
Rừng Amazon là nơi sinh sống và gắn bó của người Tenharim trong nhiều thập kỷ. Khi chứng kiến các vụ hỏa hoạn đáng sợ, trưởng tộc Marcio của Tenharim đã nghĩ đến một viễn cảnh không tươi sáng. "Thế giới đang thay đổi và thế hệ theo sau sẽ phải chấp nhận tương lai tối tăm hơn chúng ta". Ông Marcio cho biết các đám cháy trong khu vực đã lan rộng đến 900.000 hecta.
Những chiếc mũ rực rỡ sắc màu của người Tenharim nổi bật trong đám lửa Amazon được coi là hiện thân cho sự kiên cường, mạnh mẽ của họ. "Thật đau lòng khi phải chứng kiến những gì chúng tôi bảo tồn đang bị thiêu rụi. Chỉ mấy ngày trước, chúng tôi vẫn còn được hít thở bầu không khí trong lành, còn bây giờ chúng tôi phải hít khói", trưởng tộc Marcio cho biết.
Trưởng tộc Marcio Tenharim. Nguồn: CNN
Nơi sinh sống của người Tenharim hiện bị chia cắt bởi quốc lộ 230 và đường cao tốc xuyên Amazon. Chính bụi và khói của các loại phương tiện chạy qua đây đã làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh Amazon.
Không chỉ vậy, các dự án phá rừng làm đường, trồng cây, chăn nuôi gia súc cũng góp phần dẫn đến sự hủy diệt rừng Amazon.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới cháy rừng, phần lớn cảnh sát, quan chức, điều tra viên và nhân viên cứu hỏa đều cho rằng hỏa hoạn bùng phát từ hành động khai thác rừng để giải phóng mặt bằng. Nhiều chuyên gia khẳng định cháy rừng Amazon do con người gây ra.
"Những đám cháy trong các rừng Amazon phần lớn xuất phát từ hành vi phá hoại của con người.
Trong 5 hoặc 6 tháng trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nạn phá rừng gia tăng, kéo theo hậu quả nghiêm trọng là hỏa hoạn", Daniel Botini-Alves, nhà nghiên cứu cháy rừng nhiệt đới tại Đại học bang Sao Paulo lý giải, lưu ý thêm vào cuối năm, nhiều đám cháy có thể tiếp tục xảy ra.
Đối với tộc trưởng Marcio, ông vẫn nuôi hy vọng đến mùa mưa, những thảm cỏ tươi tốt sẽ mọc trở lại. Nếu không có điều đó, rừng Amazon chỉ còn lại đống tro tàn. Khi được hỏi về cơ hội của con cháu mình tại nơi này ông trả lời: "Có lẽ chúng sẽ có thời gian và đây chưa phải là kết thúc".
Video Tộc người Tenharim trong cuộc chiến chống lại giặc lửa cứu rừng Amazon (Nguồn: CNN):
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, hơn 2.250 hécta rừng Amazon đã bị tàn phá, tăng 278% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rừng Amazon là rừng mưa lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Được xem là "lá phổi xanh của hành tinh", rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất.