Phán quyết đã được Tòa án liên bang đưa ra vào thứ Hai ngày 6/7 vừa qua.
Cuốc chiến không cân sức
Đường ống dẫn dầu Dakota Access trị giá 3,8 tỷ USD sẽ phải tạm ngừng hoạt động và rút dầu trước ngày 5/8, đây là phán quyết của Toàn án liên bang, kết thúc vụ kiện kèo dài 4 năm giữa các bộ tộc thổ dân châu Mỹ, những nhà hoạt động môi trường với công ty năng lượng Energy Transfer.
Bản đồ hiển thị tuyến đường ống Dakota Access và nơi ở của bộ tộc da đỏ (CTV News)
Theo kế hoạch ban đầu, đường ống dẫn dầu Dakota Access dài 1.886km trải rộng trên bốn bang của nước Mỹ. Sau khi hoàn tất, dự án tỷ đô này sẽ vận chuyển dầu từ Nam Dakota đến trung tâm phân phối ở Illinois.
Dự án đã vấp phải nhưng chỉ trích gay gắt từ năm 2016 do đoạn cuối đường ống được đặt chạy ngầm dưới hồ Oahe, Nam Dakota, nguồn nước chính của bộ tộc Standing Rock Sioux và Cheyenne River.
Hai bộ tộc này đã nhiều lần đệ đơn kiện Energy Transfer, công ty đã phát triển đường ống, vì cho rằng đường ống sẽ phá hủy các vùng đất chôn cất thiêng liêng của họ. Nhiều người cũng lập luận về nguy cơ tràn dầu đường ống sẽ đầu độc nguồn nước chính của bộ tộc.
Vào thời gian đỉnh điểm, hàng ngàn người biểu tình tự xưng là "Người bảo vệ nước" đã lập lán trại bên ngoài khu vực xây dựng, họ thậm chí còn sống trong trại nhiều tháng trời. Không ít vụ đụng độ từng xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình trong thời gian dài. Các cuộc biểu tình khác cũng nổ ra trên toàn quốc, từ thủ đô Washington đến Los Angeles.
Hàng ngàn người biểu tình tập trung phản đối Dakota Access (HarshaWalia)
Người biểu tình tại thủ đô Washington (Yahoo News)
Nỗ lực bảo vệ quê hương
Trên thực tế, chính quyền Obama đã đình chỉ hoạt động đoạn đường ống này vào cuối năm 2016. Nhưng ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử năm 2016, ông lại đưa ra chỉ thị khôi phục việc xây dựng vào tháng 1/2017. Cuối năm 2017, sau nhiều nỗ lực ngăn chặn bất thành, hai bộ tộc và các nhà hoạt động môi trường đã tìm ra hướng đi mới.
Lần này, bên nguyên đơn nhắm vào sự lơ là khi cấp phép dự án của Công binh Lục quân Hoa Kỳ, cho phép Dakota Acess khởi công dự án mà không có tài liệu Tuyên bố tác động môi trường. Trong khi theo Đạo luật chính sách môi trường quốc gia (NEPA), đây là tài liệu bắt buộc đối với các dự án có thể gây ra các tác động nghiêm trọng tới môi trường.
Hiện tại, tòa án đã đưa ra phán quyết đình chỉ hoạt động đường ống cho tới khi Energy Transfer chuẩn bị đủ các báo cáo, tài liệu. Ước tính sẽ mất khoảng 13 tháng để hoàn thành những giấy tờ này.
"Lo sợ hậu quả môi trường nghiêm trọng, các bộ lạc người Mỹ da đỏ ở các khu bảo tồn gần đó đã tìm cách vô hiệu hóa giấy phép liên bang của đoạn đường ống dẫn dầu Dakota Acess chạy ngầm dưới hồ" - Thẩm phán James Boasberg viết trong phán quyết. "Hôm nay cuối cùng họ cũng đạt được mục tiêu đó - ít nhất là đến thời điểm hiện tại."
"Hôm nay là một ngày lịch sử với bộ tộc Standing Rock Sioux và tất cả những người đã ủng hộ chúng tôi" – Mike Faith, đại diện bộ tộc Standing Rock Sioux nói – "Đường ống này lẽ ra không bao giờ được xây ở đây. Chúng tôi đã nói với họ từ đầu là như vậy."
Những người biểu tình tuần hành tại khu bảo tồn Standing Rock Sioux (Andrew Cullen/ Reuters)
Thiệt hại của người khổng lồ năng lượng
Energy Transfer (ET) thì tuyên bố, phán quyết của tòa là "thiếu suy nghĩ" là "không phù hợp với luật pháp và các tình tiết của vụ việc" còn Thẩm phán Boasberg đã "vượt quá thẩm quyền của mình".
Cổ phiếu công ty đã giảm 7% vào thứ Hai tuần này, khi tòa đưa ra phán quyết. Công ty cho biết họ có kế hoạch đệ trình một kiến nghị để tiếp tục dự án và có khả năng xin kháng cáo.
Energy Transfer cảnh báo việc đình chỉ đường ống sẽ gây ra thất thoát hàng tỷ đô la tiền thuế và tiền thuê đất cho các tiểu bang, chính quyền địa phương và các bộ lạc.
"Ngừng hoạt động cơ sở hạ tầng quan trọng này sẽ khiến mạng lưới cung cấp dầu thô của chúng ta mất cân bằng, tác động tiêu cực đến một số ngành công nghiệp quan trọng, gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế đang gặp khó khăn và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia"- công ty cho biết.
Energy Transfer còn lập luận rằng, việc ngừng đường ống "trớ trêu thay" sẽ gây ra rủi ro môi trường lớn hơn bởi vì dầu thô sẽ chuyển sang di chuyển bằng đường sắt. Họ đưa ra dẫn chứng vụ trật bánh tàu chở dầu thô năm 2013 khiến 47 người chết và hàng chục tòa nhà bị phá hủy ở Quebec nhưng không thể thuyết phục được Tòa.
Ảnh hưởng từ cuộc đua vào Nhà trắng
Phán quyết của tòa đã đánh dấu một bước lùi cho chương trình nghị sự về năng lượng của Tổng thống Donald Trump. Trong những ngày nhậm chức vào tháng 1/2017, Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp cho xúc tiến các dự án xây dựng Keystone XL và Dakota Access.
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng năm 2017
"Thật đáng thất vọng, một lần nữa, một dự án năng lượng mang tới hàng ngàn việc làm và hàng triệu đô la doanh thu kinh tế lại bị đóng cửa" - Bộ trưởng Năng lượng Dan Brouillette nói trong một tuyên bố. Brouillette cho biết chính quyền Trump sẽ "tiếp tục đấu tranh cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ, mang tới việc làm thu nhập cao cho người dân Mỹ và tăng cường an ninh năng lượng."
Bob McNally, chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy Group thì nhận định, sự việc này khẳng định "cách xử lý thiếu minh bạch và đáng thất vọng trong vấn đề môi trường" của chính quyền Tổng thống Trump.
Có vẻ như vận mệnh của đường ống Dakota Access đang liên hệ chặt chẽ với kết quả cuộc đua vào Nhà trắng tháng 11 tới.
"Nếu Donald Trump tái đắc cử, Dakota Access có thể khởi động lại sau 10-12 tháng với giả định dự án này tuân thủ quy định NEPA" - McNally, cựu quan chức năng lượng dưới thời Tổng thống George W. Bush chia sẻ với CNN Business - "Còn nếu Joe Biden, đối thủ của Trump đắc cử, chúng tôi nghĩ rằng Dakota Access thực sự đã chết."
"Đã mất bốn năm ròng, nhưng hôm nay công lý đã được thực thi tại Standing Rock" - Jan Hasselman, luật sư của bộ lạc Standing Rock Sioux, nói trong một tuyên bố. "Nếu những sự kiện đầu năm 2020 đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là sức khỏe và công lý phải được ưu tiên để tránh một cuộc khủng hoảng sau này."
Kết
Lệnh ngừng hoạt động của Dakota Access diễn ra chỉ một ngày sau khi hai công ty năng lượng Dominion Energy và Duke Energy ra quyết định từ bỏ dự án Đường ống khí đốt bờ biển Đại Tây Dương, cũng do vấp phải nhiều chỉ trích của những nhà hoạt động môi trường.
Những đường ống dẫn dầu và khí đốt dường như đang được kiểm soát chặt chẽ hơn. Hai lần đình chỉ hoạt động đường ống cho thấy những thách thức pháp lý mà các công ty năng lượng đang phải đối mặt cũng như trách nhiệm của họ với hệ sinh thái.
Đối với Dakota Access, tương lai của đường ống này sẽ được quyết định vào năm 2021 sau cuộc Tổng tuyển cử cuối năm nay. Còn bây giờ, những bộ tộc da đỏ và các nhà hoạt động môi trường có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm.
Bài viết sử dụng nguồn: CNN Bussiness, Popular Science