Nhà thầu không thực hiện kết luận kiểm toán
Chính phủ vừa gửi báo cáo Quốc hội về dự án quan trọng quốc gia – Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Dự án).
Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 8.769 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 18 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9 nghìn tỷ đồng. Dự án được sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, trong đó phần vốn vay của Trung Quốc 13.867 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt từ đầu năm 2020 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện các công việc còn lại của tổng thầu, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống và thực hiện các thủ tục bàn giao Dự án.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án; với chủ đầu tư phần giải phóng mặt bằng là UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Chính phủ cho biết, hiện nay, Dự án vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Các vướng mắc nêu trên đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác nghiệm thu, bàn giao đưa Dự án vào vận hành khai thác.
Năm 2018, Dự án được thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định…
Tuy nhiên, do đây là Dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước có những khó khăn nhất định khi Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài cho rằng, mình không có nghĩa vụ thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và từ chối thực hiện, do đây là hợp đồng EPC.
Huy động nhân sự gặp khó vì COVID-19
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trên cơ sở Hợp đồng EPC đã được ký kết và các quy định hiện hành, Bộ GTVT đang chỉ đạo rà soát cụ thể khối lượng các hạng mục hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, thanh toán theo quy định nhằm hạn chế các vướng mắc phát sinh, sớm bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội khai thác sau khi có ý kiến của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước.
Đáng lưu ý, để dự án được vận hành ngay sau khi bàn giao, Tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp thực hiện công tác bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay nên tác động rất lớn và kéo dài thời gian huy động nhân sự của tổng thầu.
Về bố trí vốn trả nợ gốc, báo cáo nêu rõ, do Dự án chậm hoàn thành bàn giao nên UBND thành phố Hà Nội chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt. Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao Dự án cho UBND thành phố Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để thành phố thực hiện trả nợ. Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “Trả nợ gốc các Hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT để trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án.
Đối với các tồn tại còn lại, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm.