Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trí thức trẻ liên quan đến thông tin đánh giá tác động của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đối với ngân sách Nhà nước được đưa ra gần đây, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết như trên.
Theo ông Hưng, những số liệu được đưa ra trong báo cáo này mới chỉ là số liệu tính toán bước đầu, do chuyên viên thực hiện và nguồn dữ liệu để tính toán cũng chưa đầy đủ nên đây chưa phải là con số cuối cùng.
Do đó, để tính toán chính xác tác động của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn tới ngân sách nhà nước, cũng như đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, cần phải có đầy đủ số liệu được tập hợp từ các nguồn khác nhau.
“Để có con số cuối cùng thì phải dựa vào đầy đủ nguồn dữ liệu liên quan. Cụ thể, thông tin từ tập đoàn (PV-Tập đoàn Dầu khí VN), thông tin giá dầu, các đối tác, chi phí hạch toán của nhà máy như thế nào, chứ giờ vẫn đang trong giai đoạn xây dựng thì chưa thể chính xác và cũng không thể đưa vào bình luận, nhận định được” – ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng cho biết thêm đây là tài liệu nội bộ và Vụ Ngân sách Nhà nước không cung cấp thông tin này ra bên ngoài. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ cung cấp thông tin chính thức từ các cuộc họp báo định kỳ hoặc họp báo chuyên đề.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đang được xây dựng, chưa đi vào hoạt động nên cũng chưa có hỗ trợ gì. Do đó, khi có đầy đủ số liệu liên quan và dữ liệu ban đầu thay đổi, kết quả sẽ khác.
Đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước cũng cho biết thêm là đã có báo cáo vụ việc này lên Ban Tuyên giáo trung ương để không tiếp tục đưa thông tin và bình luận về vụ việc này, khi số liệu chưa chuẩn xác.
Trước đó, thông tin được đăng tải trên các báo xuất phát từ báo cáo đánh giá tác động của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đối với ngân sách Nhà nước do chính Vụ này thực hiện.
Theo đó, đến tháng 11/2016 Lọc dầu Nghi Sơn sẽ đi vào chạy thử và chính thức vận hành thương mại vào cuối năm 2017 và thu ngân sách từ năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, bên cạnh việc thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm khoảng 6.246 tỷ đồng một năm, thì các hỗ trợ ưu đãi như bao tiêu sản phẩm và đầu tư hạng mục dự án lọc dầu Nghi Sơn cũng ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, tính toán ban đầu được cơ quan quản lý ngân sách nhà nước thực hiện thì với vốn góp 25,1%, PetroVietnam chỉ có thể thu về 1.400-1.600 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng với các kịch bản giá dầu 50 USD và 45 USD một thùng.
Được biết, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, do Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) góp vốn mỗi bên 35,1%, PetroVietnam nắm 25,1% và một đối tác Nhật khác là Hóa chất Mitsui góp 4,7%.
Đây là dự án lọc dầu có quy mô sản lượng lớn bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á tại Nghi Sơn (Thanh Hóa). Dự án được khởi công năm 2008, công suất thiết kế 10 triệu tấn thô.
Mới đây, Idemitsu Kosan và KPI đã lên kế hoạch phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam công bố việc được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp phân phối sản phẩm.