Theo đó, Bộ Tài chính dẫn theo quy định tại Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26-7-2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ nêu rõ, hiện chỉ có 7 Cục trưởng tại cơ quan Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Tài chính - ngân sách, bao gồm:
Ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể, tài sản công theo quy định của pháp luật.
Hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, với quy mô và lĩnh vực quản lý rộng lớn nêu trên, cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ có 20 Vụ, Cục chuyên môn và một số đơn vị sự nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, tại cơ quan Bộ Tài chính có 7 Cục trưởng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có 5 Tổng Cục và tương đương trực thuộc (gồm: Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, Tổng Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Trong 5 Tổng Cục và tương đương nêu trên có 4 Tổng Cục được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện theo địa giới hành chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế), theo khu vực (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước).
"Tổng số có 183 Cục tại các địa phương gồm: 63 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố, 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố, 35 Cục Hải quan khu vực, 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Để quản lý và điều hành hoạt động của một đơn vị đầu mối trên cần phải bổ nhiệm một cấp trưởng đơn vị đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính", Bộ khẳng định.