Không "đặt cửa" Assad
Trước khi cuộc chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011, mối quan hệ cá nhân đang tầm nở rộ giữa lãnh đạo Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như báo hiệu tương lai hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai bên và một biên giới rộng mở.
Đó mới chỉ là khởi đầu: Thổ Nhĩ Kỳ coi Syria như bệ phóng cho kế hoạch trở thành thế lực kinh tế lớn trong thế giới Ả Rập, nơi mà nước này đã rút lui sau khi để mất nhiều tỉnh Ả Rập theo cùng với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Syria đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc lại.
Ông Erdogan đã cắt đứt quan hệ với ông Assad và đứng về phía phe đối lập Sunni vốn được lòng nhiều người, liều lĩnh đặt cược vào khả năng họ đánh bại chế độ Assad (có nguồn gốc từ cộng đồng Alawite thiểu số).
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại mâu thuẫn với Washington, đối tác chiến lược thân cận suốt nhiều thập kỷ. Sau những phát ngôn thù địch và quyết định áp cấm vận gần đây của chính quyền Trump, căng thẳng lại càng leo thang.
Bảy năm lún sâu vào cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ chật vật tự vệ, tránh để bản thân vướng vào làn sóng bất ổn tràn sang từ cuộc khủng hoảng trong khu vực. Món đặt cược của Erdogan vào thế giới Ả Rập ngày càng giống như một màn thua.
Một Syria chìm trong chiến tranh đã trở thành nấm mồ cho bất cứ giấc mơ vương giả tân Ottoman nào mà ông Erdogan có thể ôm ấp.
Thế kỷ nhiều tổn thương
Thổ Nhĩ Kỳ, tàn dư của Đế chế Ottoman từng oai hùng một thời đã trải qua vô số tổn thương trong thế kỷ qua, bao gồm cả các cuộc đảo chính. Ankara cũng phải đối mặt với một cuộc nổi dậy có vũ trang từ Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức tự nhận là đại diện cho người Kurd trong khu vực.
(Cùng với Mỹ và Liên minh Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ coi PKK là một tổ chức khủng bố).
Khả năng cuộc ly khai của người Kurd bào mòn Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể chấp nhận được đối với nhiều đời lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã sử dụng nhiều phương pháp, từ đàn áp, ném bom cho tới đàm phán hòa bình để khống chế tham vọng của PKK, đánh bại họ trên chiến trường, khiến họ không thể can dự về mặt chính trị.
Uy thế của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan, với nền tảng bảo thủ của những ông chủ doanh nghiệp nhỏ và lý tưởng lấy cảm hứng từ phong trào Anh em Hồi giáo, đã báo trước một thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ năm 2002.
Một Thổ Nhĩ Kỳ tự tin đã dấn mình vào chính sách "0 vấn đề", thể hiện bản thân là "kẻ bình ổn trật tự" trong khu vực.
Chính phủ Ankara kỳ vọng vào những khoản đáp trả kinh tế xứng đáng khi các công ty Thổ Nhĩ Kỳ tỏa đi khắp khu vực và tạo ra dấu ấn của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Các kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận khán giả Ả Rập bằng các bộ phim truyền hình, hâm nóng quan hệ bằng các lộ trình miễn visa tới Istanbul và bờ biển Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập đã đặt dấu chấm hết cho toàn bộ chuyện đó.
Phong trào Mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập. Ảnh: Reuters
Cùng với cuộc chiến tại Syria, bước ngoặt là cuộc chính biến vào tháng 7/2013 tại Ai Cập, lật đổ chính quyền do Anh em Hồi giáo lãnh đạo, đồng minh của Ankara. Khi Anh em Hồi giáo rút lui khỏi khu vực, tiếng tăm cũng như các khoản đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tan thành mây khói.
Và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tập trung vào lo ngại kế cận nhất: Cuộc nội chiến Syria mà chính quyền Erdogan, cùng đồng minh phương Tây và vùng Vịnh, đã dự phần trong một nỗ lực nhằm đánh bại chính quyền Assad.
Cuộc chiến không chỉ làm tổn hại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khi các đồng minh phiến quân của họ mất chỗ đứng - nó còn mở ra một chỗ trống mà phe thánh chiến và PKK, hai kẻ thù đáng gờm nhất của Ankara, muốn khai thác.
Mong muốn của Ankara
Thật ra, với Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay cuộc chiến Syria không còn xoay quanh chuyện lật đổ ông Assad nữa, mà phần nhiều nhằm kiểm soát 2 nhóm đó.
Cả hai bên đều đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ: IS thì tìm cách lập "vương quốc" của mình, còn PKK thì muốn bảo vệ quyền lợi cho người Kurd. Các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng mục tiêu của PKK có thể khuyến khích nhóm này đòi thành lập đất nước và vì thế chia tách Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi các cuộc tấn công thánh chiến gieo rắc khủng bố, cuộc chiến với PKK ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ là đáng ngại nhất với Ankara. Sau khi các cuộc đàm phán với nhóm này sụp đổ cách đây 3 năm, cuộc xung đột tốn kém và dai dẳng dường như sẽ kéo dài mãi.
Lực lượng YPG tại Syria. Ảnh: Reuters
PKK đã tự gia tăng sức mạnh thông qua các Đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG), nhánh vũ trang của người Kurd ở Syria. YPG đã bắt đầu tuyển mộ và huấn luyện nhiều binh lính mới để đối phó với IS. Thậm chí còn một điều đáng ngại hơn với Thổ Nhĩ Kỳ: YPG đã nhận viện trợ quân sự từ Mỹ, bên coi đó là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhằm vào các phiến quân.
Kết quả là xuất hiện một vùng đệm do YPG bảo vệ bên trong Syria, dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - một tình huống mà ông Erdogan muốn đảo ngược.
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ thấy mình mắc kẹt trong một cuộc xung đột gay gắt. Nước này trở thành một phần chính trong khối liên minh của phương Tây, nhưng lại không hài lòng vì Washington ủng hộ cho người Kurd và áp cấm vận với mình.
Dù tức giận nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không sẵn sàng từ bỏ quan hệ đồng minh chiến lược với phương Tây. Đánh giá này nổi lên từ các cuộc thảo luận tại một diễn đàn do Quỹ Korber ở Berlin tổ chức.
Căng thẳng trong quan hệ sẽ vẫn tồn tại, không có nghi ngờ gì nữa, nhưng Washington cần Ankara làm "đê chắn sóng" với Iran, Nga và phe thánh chiến, trong khi Ankara cần Washington làm "tấm vé bảo đảm" cho phương kế cuối cùng trước động thái của Nga và Iran trong khu vực.
Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chìa tay về phía Nga để góp phần thúc đẩy một kết quả cho cuộc chiến Syria mà mình có thể chung sống. Kết quả này có thể ở trong hình dạng của một thỏa thuận giữa YPG và Damascus do Nga, Mỹ làm trung gian và đảm bảo.
Điều này có thể tạo điều kiện cho chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát với ít nhất là một phần biên giới. Từ quan điểm của ông Erdogan, thỏa thuận này không phải là lý tưởng, nhưng ít nhất thì cũng không phải là tồi tệ - nếu đạt được.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ cần sự trợ giúp của Nga ở Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria. Số dân ở đây đã tăng lên gấp đôi vì dòng người Syria di cư từ các khu vực khác của đất nước.
Nhờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể tìm cách che chắn Idlib khỏi cuộc tấn công của chính quyền Syria. Ankara vốn đã rất chật vật với hơn 3,5 triệu người Syria mà nước này cho tị nạn.
Tuy nhiên, với các lãnh đạo bốc đồng và thất thường ở cả Washington và Ankara, không ai biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm thế nào để điều hướng cơn bão sắp tới. Nếu chỉ gặp một số vấn đề cỏn con từ vụ "thua cược" ở Syria mà không rơi vào tình trạng sụp đổ với kẻ thù vây quanh thì có thể coi là Ankara đã gặp may.