Bỏ rơi người Kurd tại Afrin, Mỹ hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Hồng Anh |

Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều rất cần hợp tác với nhau để thực hiện những chiến lược chung tại Trung Đông và phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.

Mỹ vừa cử một phái đoàn tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về các vấn đề chính trị và quân sự mà cả hai bên cùng quan tâm. Động thái này được coi là nỗ lực cứu vãn quan hệ quan hệ song phương vốn đang có nguy cơ tan vỡ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “Nhành Ô liu” nhằm vào lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tại thành phố Afrin, Syria.

Mỹ sẵn sàng nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ

Phái đoàn của Mỹ gồm các quan chức từ Bộ Tư pháp và Bộ Quốc Phòng do Phó Trợ lý Ngoại trưởng Jonathan Cohen dẫn đầu đã có cuộc hội đàm với phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao Ahmet Muhtar Gun phụ trách, trong hai ngày 23 và 24/1 tại thủ đô Ankara.

Tờ nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/1 đưa tin, trong cuộc đối thoại này, Mỹ tái khẳng định sẽ thực hiện cam kết của nước này đối với Thổ Nhĩ Kỳ thu lại toàn bộ vũ khí hạng nặng mà Mỹ chuyển giao cho Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), song chưa ấn định khung thời gian cụ thể.

Tờ báo này dẫn lời một quan chức cấp cao trong phái đoàn Mỹ cho biết: “ Mỹ công nhận những lo ngại về an ninh hợp pháp của nước này tại khu vực biên giới, song chúng tôi hối thúc kiềm chế các hành động khiến xung đột leo thang, nhằm hạn chế gây thương vong cho dân thường. Mỹ kêu gọi các bên liên quan tập trung vào mục tiêu đánh bại khủng bố ở Syria và phối hợp hành động vì tương lai của Syria.” Phía Mỹ cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho Mỹ về danh sách các địa điểm mà nước này sẽ không tấn công để đảm bảo an toàn cho dân thường.

Vị quan chức nêu trên nhấn mạnh, bản cập nhật danh sách vũ khí Mỹ cung cấp cho YPG được chuyển giao cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đều đặn mỗi tháng. Ông cũng bác bỏ thông tin của một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đã cung cấp cho YPG hơn 4.000 chiếc xe tải chất đầy vũ khí, đồng thời cho biết phần lớn những chiếc xe này vận chuyển quân nhu cho các lực lượng Mỹ tại Syria”.

Thông báo của quan chức trong phái đoàn Mỹ nhằm đáp lại yêu sách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trước đó cùng ngày, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với Mỹ với điều kiện Mỹ chấm dứt hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria và tịch thu toàn bộ vũ khí đã cung cấp cho họ.

Rõ ràng trong trường hợp này Mỹ đã thể hiện thái độ hết sức “nhún nhường” đối với Thổ Nhỹ Kỳ. Việc Mỹ tuyên bố khu vực Afrin không nằm trong vùng hoạt động chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của nước này cũng như thông báo sẽ lấy lại vũ khí mà Mỹ cho người Kurd cho thấy Mỹ đang muốn xoa dịu đồng minh NATO này.

Chứng kiến hành động mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mở rộng chiến dịch quân sự tại Afrin, chính phủ Mỹ hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng lại ở những lời đe dọa hay tuyên bố suông. Nếu cuộc chiến tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria leo thang nghiêm trọng hơn thì khi đó không chỉ có phe đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn bị thiệt hại nặng nề mà lợi ích và vị thế của Mỹ tại Trung Đông tất yếu cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

Nã pháo Afrin - Thổ Nhĩ Kỳ thổi bùng lò lửa xung đột tại Trung Đông? VOV.VN - Không chỉ khơi mào cho cuộc xung đột quy mô lớn, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin (Syria) có thế gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đầy nghi kỵ và mâu thuẫn

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thực chất từ trước đến nay luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn và nghi kị. Một trong những căn nguyên sâu xa là vấn đề người Kurd. Dù là đồng minh lâu dài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng Tổng thống Trump dường như chưa bao giờ quan tâm đến lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria. Mỹ vẫn luôn hỗ trợ và chuyển giao vũ khí cho Các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) – thành phần chủ chốt trong Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đối lập. Đỉnh điểm là hồi đầu tháng 1 này, liên quân do Mỹ dẫn đầu phối hợp với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới (BSF) gồm hơn 30 nghìn binh sỹ tại miền bắc Syria. Phần lớn các binh sỹ trong lực lượng này là thành viên của YPG.

Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay luôn coi YPG là tổ chức khủng bố, trong khi Mỹ lại coi đó là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lo ngại nhờ sự hỗ trợ của Mỹ, YPG sẽ trở nên lớn mạnh hơn, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức phát động chiến dịch “Nhành Ô liu” tấn công vào cứ điểm của lực lượng này tại Afrin – động thái cũng được coi là đáp trả Mỹ.

Không chỉ mâu thuẫn về vấn đề người Kurd, quan hệ gữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7/2016. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen - nhân vật bị chính phủ nước này cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính và đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania, về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ với yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng về sự tham gia của giáo sĩ này trong âm mưu đảo chính. Căng thẳng giữa hai bên ngay sau đó bị đẩy lên một nấc thang mới khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc một số quan chức của Mỹ liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ nước này.

Còn theo quan điểm của Mỹ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay chưa bao giờ thực hiện đầy đủ các cam kết đưa ra trong cuộc chiến chống khủng bố, với bằng chứng là Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ cho nhiều lực lượng đối lập Syria, trong đó có cả các nhóm phiến quân. Những xung đột về lợi ích và sự nghi kỵ lẫn nhau nói trên là những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy “tảng băng lạnh giá “trong quan hệ Ankara-Washington.

Song vẫn rất cần nhau

Dù đầy rẫy mâu thuẫn trong quan hệ song phương, song không thể phủ nhận rằng cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất cần nhau để thực hiện những chiến lược chung tại Trung Đông và phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí đặc biệt ở khu vực Biển Đen, Địa Trung Hải, lâu nay vốn được coi là “tiền đồn” của NATO. Việc hai đồng minh trong khối đối địch với nhau chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các chiến lược chung nhằm giải quyết những thách thức về an ninh. Bên cạnh đó, Mỹ cũng không thể chối bỏ rất cần sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS bởi Mỹ cần sử dụng căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào nhóm phiến quân này ở Iraq và Syria.

Mỹ cũng thừa hiểu rằng, việc xa rời đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nước này ngày càng rời xa Mỹ và nghiêng về phía Nga, khi đó hình ảnh và vị thế của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy trong bối cảnh hiện nay, việc nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một bước đi khôn khéo của Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại