Với câu hỏi đầu tiên, Mark C.O'Flaherty trả lời rằng đó là những người giàu, rất giàu có. Họ có thể bỏ ra số tiền không nhỏ để có được những thứ mong muốn, chẳng hạn tủ lạnh đầy ắp đồ ăn thức uống, nhà bếp, phòng ăn cùng các sản phẩm phòng tắm cao cấp.
Lý do mọi người sẵn sàng chi tiền rất đơn giản. Nếu họ thuộc nhóm 1% và không có nhà ở tại địa điểm mà họ đến công tác/du lịch, họ sẽ muốn sự sang trọng và tiện nghi tương tự ngôi biệt thự mà họ đang sở hữu.
Khi làm việc cho một tạp chí thời trang nổi tiếng nhiều năm trước, Mark C.O'Flaherty từng có cơ hội trải nghiệm phòng Tổng thống trị giá 20.000 USD (tương đương 473 triệu đồng ngày nay) tại khách sạn The St. Regis (New York, Mỹ).
Ông mô tả cảm giác trải nghiệm một đêm tại không gian sang trọng khi ấy rất đáng nhớ. Trong lúc đang nhặt những sản phẩm phòng tắm cao cấp về, Mark C.O'Flaherty nhận ra rằng đây không phải thế giới của ông. Thực tế, trải nghiệm này cho ông cái nhìn thoáng qua về "vũ trụ" khác.
Nhà văn đã không tận dụng hết những tiện nghi ông có như nhà bếp, phòng ăn hay nhiều phòng khác. Mark C.O'Flaherty cũng nhận ra rằng không chỉ mình ông, số lượng du khách khác làm điều tương tự là khá lớn và đang tăng lên.
Căn phòng mà biểu tượng điện ảnh và thời trang Audrey Hepburn ở tại khách sạn The Hassler. Ảnh: tommypicone.
Chi trăm triệu ở phòng suite, du khách nhận lại gì?
Grand Manor House Wing được biết đến là một trong những khách sạn độc quyền và sang trọng nhất tại London (Anh). "Thiên đường" này chỉ có một tầng, rộng gần 590 m2 và có tối đa 7 phòng ngủ, mã bưu điện riêng. Nhưng nếu muốn trải nghiệm một đêm tại đây, du khách cần bỏ ra 20.000 bảng Anh.
Hay khách sạn Ritz Carlton New York NoMad (New York) mới khai trương hồi tháng 2 cung cấp dãy phòng có giá 25.000 USD/đêm (gần 590 triệu đồng). Bastian Germer (General manager, giám đốc cấp cao) giải thích: "Khách sạn có một phòng chăm sóc sức khoẻ và phòng giải trí riêng, khu vực sinh hoạt và ăn uống riêng biệt, phòng thay đồ rộng gần 20 m2, phòng tắm lát đá cẩm thạch Terrazzo với bồn ngâm và vòi sen đôi. Nơi đây còn cung cấp 5 dịch vụ ẩm thực miễn phí suốt cả ngày, đều do đầu bếp từng đoạt sao Michelin José Andrés phụ trách".
Tuy nhiên, "phụ trách" không đồng nghĩa với việc José Andrés thực sự nấu nướng ở khách sạn. Thay vào đó, đầu bếp này là người kiểm duyệt thực đơn.
Sân thượng của phòng suite tại The Mark ở New York. Ảnh: The Telegraph.
Trong khi nỗi lo về lạm phát đang đè nặng lên một số mặt hàng, thị trường phòng suite vẫn tăng trưởng một cách lạ kỳ. Theo Giám đốc thương mại Marc Speichert của thương hiệu Four Seasons, chúng ta sẽ chứng kiến 68 nghìn tỷ USD tài sản gia đình được thế hệ Baby Boomer (chỉ người sinh trong giai đoạn năm 1946-1964) chuyển sang cho thế hệ con cháu (Millennial hay Gen Y, người sinh năm 1981-1996).
Quá trình chuyển giao này tạo ra mức tăng 50% các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI). Theo Forbes, thuật ngữ này đề cập đến những người có giá trị tài sản ròng tối thiểu 1 triệu USD. Họ muốn khoe khoang về những phòng suite sang trọng, tiện nghi và có thể có cả quản gia.
Vlad Doronin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Aman cho biết: "Các phòng suite đặc trưng của chúng tôi mang đến phong cách sống của người dân bản địa. Khách hàng của chúng tôi cảm thấy như thể họ đang sống trong sự thoải mái của một ngôi nhà đặc biệt".
Khách hàng của Aman không quá bận tâm về chi phí phòng suite bởi họ cho rằng điều này thể hiện giá trị. Họ sẵn sàng chi hơn 50.000 bảng Anh (hơn 1,4 tỷ đồng) cho một chiếc túi Hermès, bất chấp thiết kế đó có vô số chiếc cùng tồn tại. Bởi họ tin rằng đó là giá trị của túi xách và chi phí là sự đảm bảo.
Phòng khách của dãy phòng mới tại Ritz Carlton New York NoMad. Ảnh: The Telegraph.
Lý do phòng suite giá trăm triệu vẫn tồn tại
Trở lại năm 2018, khách sạn The Mark ở Manhattan (Mỹ) ra mắt một căn hộ áp mái rộng gần 1.000 m2 với giá 75.000 USD (hơn 1,7 tỷ đồng). Công suất phòng đạt mức ổn định 50%, nhưng không ấn tượng là bao.
Tuy nhiên, căn phòng này đã đạt được mục tiêu. Chẳng hạn nếu bạn có 10 phòng khách sạn và một phòng suite (có giá tương đương 10 phòng kia), trong cùng khu phố lại có tới 50 khách sạn khác, mỗi khách sạn có 10 phòng mang tiêu chuẩn tương tự, phòng suite mới là "con gà đẻ trứng vàng". Ngay cả khi bỏ trống trong vài tháng, phòng suite ấy vẫn có thể đem lại doanh thu trong vài tháng còn lại của năm.
Còn lý do khác khiến các căn phòng khách sạn giá cao này tồn tại. Tỷ phú giàu thứ 2 thế giới Elon Musk từng đưa mẹ ông đến căn phòng ở Rosewood để tổ chức tiệc sinh nhật. Các du khách giàu có có thể đọc hay nghe đến thông tin này ở đâu đó và quyết định làm điều tương tự: Đưa mẹ đi thưởng bữa trà chiều trị giá 140 bảng Anh (4 triệu đồng).
Ai lại không muốn ở trong căn phòng tại khách sạn The Hassler tọa lạc tại thủ đô Rome của Italy (nơi mà minh tinh Audrey Hepburn từng ở khi quay phim) hay trải nghiệm căn phòng của toà nhà mà huyền thời trang Karl Lagerfeld từng ở?
Phòng Tổng thống Trinit dei Monti, căn phòng yêu thích của Karl Lagerfeld tại khách sạn The Hassler. Ảnh: The Telegraph.
Một ngôi sao nhạc rock có thể ở 4 đêm tại một căn phòng trong chuyến lưu diễn. Nguồn tin của The Telegraph cho biết một trong những khách sạn nổi tiếng nhất ở New York dành cho khách hàng là nghệ sĩ âm nhạc không bao giờ giảm giá cho các ngôi sao. "Họ giàu có nên họ có đủ khả năng chi trả. Chúng tôi chỉ cung cấp các ưu đãi cho đoàn khách khi có ít nhất 8 phòng khác được đặt", nguồn tin tiết lộ. Trong khi đó, hoàng gia Trung Đông có thể ở lại vài tháng.
Đó là nguồn thu chính. Nếu 50 tạp chí cùng viết về một căn penthouse xa hoa, điều này tương đương với chi phí quảng cáo trị giá khoảng 650.000 bảng Anh (gần 20 tỷ đồng). Do vậy, việc được truyền thông chú ý cũng quan trọng không kém.