Bộ Quốc phòng trả lời về phát biểu của tướng Lê Chiêm

TÁ LÂM |

Ông Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng, đã trả lời câu hỏi liên quan đến phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, về việc quân đội "không làm kinh tế nữa".

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội ngày 23-6, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã khẳng định Bộ Quốc phòng có chủ trương quân đội không làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại. 

Tất cả doanh nghiệp (DN) quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn hết, cái nào phục vụ quốc phòng làm quốc phòng.

Bộ Quốc phòng trả lời về phát biểu của tướng Lê Chiêm - Ảnh 1.

Các cơ quan báo chí đặt câu hỏi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước phát biểu này, tại buổi họp báo của Bộ Quốc phòng hôm nay (13-7), báo Thanh Niên cho rằng đến giờ với những lời giải đáp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có thể hiểu chủ trương của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là quân đội làm kinh tế gắn liền với quốc phòng.

Từ đó báo này đặt câu hỏi tại sao với chủ trương rõ ràng như vậy lại bị tướng Chiêm hiểu sai dẫn đến trong thời gian qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng phải lên tiếng giống như đính chính. 

Phải chăng bản thân các lãnh đạo Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng chưa thống nhất cao về chủ trương này?

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng, cho rằng Thượng tướng Lê Chiêm nói chưa hết ý, chưa đầy đủ.

"Quân đội không làm kinh tế tức là không làm kinh tế đơn thuần mà phải gắn với quốc phòng" - ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng khẳng định không có việc không thống nhất trong Quân ủy Trung ương.

Trả lời báo giới về việc giảm DN quân đội, ông Võ Hồng Thắng cho biết DN nhà nước phải được sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả.

Từ trước đến nay, qua nhiều lần sắp xếp còn lại 88 DN quân đội, thời gian tới sẽ rà soát lại để sắp xếp. Tiêu chí sắp xếp theo quy định nhà nước.

Ông Thắng khẳng định quan điểm của Quân ủy Trung ương là rất rõ, DN quân đội 100% vốn nhà nước được giữ lại là những DN quân sự quốc phòng, xây dựng kinh tế gắn chặt với quốc phòng.

Còn đối với những DN thương mại, dịch vụ hoặc ít có nhiệm vụ quốc phòng thì sẽ thoái vốn.

Theo đề án Bộ Quốc phòng trình Chính phủ, năm 2016 còn 88 DN quân đội, đến năm 2020 sẽ còn lại 17 DN quốc phòng 100% vốn nhà nước.

Còn lại một số DN sẽ cổ phần hóa, khi có chiến tranh thì huy động. Hiện nay, đề án sắp xếp DN quân đội đã gần hoàn chỉnh, đang chờ Thủ tướng ký ban hành.

Liên quan đến đất quốc phòng làm kinh tế, ông Võ Hồng Thắng cho rằng quân đội có chức năng nhiệm vụ tham gia hoạt động sản xuất, đây là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho quân đội.

"Khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, quân đội được sử dụng nguồn lực cần thiết để lao động sản xuất, đó là đất đai.

Thứ hai, theo Luật Đất đai, đối với quân đội được xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất năm năm - 10 năm, chính việc kế tiếp các kỳ quy hoạch đó sẽ có lượng đất dự trữ nhất định. Nếu không dùng đến thì lãng phí" - ông Thắng nói.

Mặt khác, ông Thắng khẳng định việc quân đội tham gia xây dựng kinh tế góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương, không chỉ đơn thuần cho nguồn thu quốc phòng.

Liên quan đến đất quốc phòng, ông Thắng cho biết nói tạm dừng đất quốc phòng, phải được hiểu đó là những sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích, phải kiểm tra rà soát chấn chỉnh, dứt khoát không làm chứ không phải tạm dừng.

Thời gian tới sẽ rà soát để chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại