Bộ Quốc phòng phản hồi đề xuất 'phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức'

Luân Dũng |

“Nếu quy định tăng thêm số phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, là công chức sẽ tăng số cán bộ, công chức ở cấp xã, tăng ngân sách, ảnh hưởng đến việc bảo đảm chế độ, chính sách", theo Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị về chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã. Cử tri viện dẫn Điều 20, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định chức danh Ban chỉ huy Quân sự xã là người hoạt động không chuyên trách.

Bộ Quốc phòng phản hồi đề xuất phó chỉ huy trưởng xã là công chức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo cử tri, trong những năm qua, Ban chỉ huy quân sự cấp xã trên các địa phương trong cả nước luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong công tác xây dựng lực lượng vững mạnh, toàn diện.

Vì vậy, cử tri đề nghị quan tâm đến việc bảo đảm chế độ các thành viên trong Ban chỉ huy quân sự cấp xã, nhất là đối với đối tượng là phó chỉ huy trưởng. Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị cân nhắc, xem xét về việc quy định “phó chỉ huy trưởng là công chức cấp xã ” như đối với chức danh chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã.

Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 8/2/2024, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (nay là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP.

Phạm vi điều chỉnh theo hướng nâng mức hưởng một số chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ, mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ; cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, đến nay Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng. Vì vậy, Bộ Quốc phòng tiếp tục dự thảo điều chỉnh tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng, trình Chính phủ.

“Sau khi Nghị định được công bố, ban hành các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn thực hiện theo quy định”, Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Về kiến nghị phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức, Bộ Quốc phòng viện dẫn khoản 1, Điều 4 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Trong đó quy định số lượng phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cụ thể: Đơn vị hành chính cấp xã loại 1, xã biên giới, ven biển, đảo được bố trí không quá 2 phó Chỉ huy trưởng.

Căn cứ tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trong số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định.

Trong đó quy định cụ thể số lượng công chức cho từng loại hình: cấp xã, thị trấn loại I là 22 người; loại II là 20 người; loại III là 18 người, và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định: loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.

Bộ Quốc phòng khẳng định, quy định như trên phù hợp với Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

“Nếu quy định tăng thêm số “phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, là công chức” sẽ tăng số cán bộ, công chức ở cấp xã , tăng ngân sách, ảnh hưởng đến việc bảo đảm chế độ, chính sách, không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 33 của Chính phủ về số lượng cán bộ , công chức cấp xã”, Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại