Hiện nay, các công ty hàng không vũ trụ ở Mỹ và Anh đang chạy đua để được tham gia vào dự án sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Nhật Bản, theo trang tin The Drive.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã ra thông báo chính thức ngày 30-10 rằng Mitsubishi Heavy Industries (MHI) sẽ chịu trách nhiệm tổng thể trong dự án sản xuất máy bay chiến đấu. Ngoài cuộc thảo luận về hợp tác nước ngoài trong việc thiết kế máy bay, Bộ Quốc phòng cũng xác nhận công việc chế tạo động cơ máy bay sẽ có hợp đồng phụ cho một công ty khác mà hiện nay vẫn chưa được công bố..
Chính phủ Nhật Bản dự kiến chương trình sản xuất máy bay chiến đấu này trị giá khoảng 40 tỉ USD và sẵn sàng phục vụ vào năm 2035. Dự án nhằm mục đích cung cấp máy bay chiến đấu đời mới thay thế cho hệ thống máy bay Mitsubishi F-2 hiện có của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF).
Máy bay chiến đấu tương lai được gọi không chính thức là FX nhưng dự kiến sẽ được chỉ định là F-3 vào thời điểm nó đi vào hoạt động.
Mô hình minh họa cấu tạo máy bay chiến đấu F-3. Ảnh: Bộ Quốc Phòng Nhật Bản
Trước thông báo ngày 30-10, các chuyên gia quân sự cho rằng Nhật Bản sẽ đi theo một trong ba con đường để chế tạo máy bay chiến đấu mới: Phát triển máy bay hoàn toàn trong nước, liên doanh với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài hoặc mua máy bay chiến đấu của nước ngoài. Cuối cùng, Nhật đã lựa chọn phương án sản xuất máy bay chiến đấu mới trong nước hoặc ít nhất là do người bản địa dẫn đầu. Tập đoàn MHI được chọn lãnh đạo dự án với tư cách là công ty hàng không duy nhất ở Nhật Bản có kinh nghiệm về máy bay chiến đấu.
MHI đã chế tạo chiếc F-2 có nguồn gốc từ F-16, bản thân nó là sự kế thừa của máy bay chiến đấu siêu thanh F-1 của cùng công ty, một chương trình phát triển trước đó bắt đầu từ những năm 1960. Tập đoàn cũng đã tiến hành sản xuất F-4EJ Phantom II và các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không F-15J Eagle tiếp theo cho dịch vụ của JASDF.
Đối với F-2, MHI đã hợp tác với Tập đoàn Lockheed Martin để sản xuất một máy bay chiến đấu đa chức năng dựa trên F-16 , với tỷ lệ 60/40 trong sản xuất giữa Nhật Bản và Mỹ. Một hình thức liên doanh tương tự với một công ty nước ngoài hiện đã được lựa chọn cho máy bay chiến đấu tương lai.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, quyết định về đối tác nước ngoài cho dự án máy bay chiến đấu sẽ được đưa ra trước cuối năm 2020. Các ứng cử viên có thể bao gồm Lockheed Martin ở Mỹ và BAE Systems ở Vương quốc Anh, cũng như các công ty khác của Mỹ như Boeing và Northrop Grumman.
Dự án máy bay chiến đấu tàng hình mới này chỉ là một phần trong quá trình củng cố vững chắc năng lực quân sự của Nhật Bản nhằm đối phó với các mối đe dọa và thách thức an ninh quốc gia ngày càng tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Yêu cầu ngân sách quốc phòng của nước này cho năm tài chính 2021 là mức cao nhất được ghi nhận, vào khoảng 55 tỉ USD, đánh dấu mức tăng năm thứ 9 liên tiếp. Nó bao gồm khoảng 556 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu trong tương lai, cộng với 114 triệu USD cho việc tích hợp các hệ thống con của nó bao gồm radar và hệ thống nhiệm vụ.