Bộ Quốc phòng Nga: Ukraine dùng tên lửa S-200 tấn công cầu Crimea bất thành

Thùy Dương |

Ngày 9/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã tấn công bất thành các mục tiêu ở khu vực Crimea, Rostov và Kaluga bằng tên lửa phòng không S-200.

Bộ Quốc phòng Nga: Ukraine dùng tên lửa S-200 tấn công cầu Crimea bất thành - Ảnh 1.

Khói bốc lên ngùn ngụt từ hiện trường vụ nổ trên cây cầu nối với Bán đảo Crimea ngày 8/10/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo đài Sputnik, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Vào ngày 9/7 năm nay, chính quyền Ukraine đã thực hiện một nỗ lực không thành công trong tấn công các mục tiêu ở khu vực Crimea, Rostov và Kaluga bằng tên lửa phòng không S-200 đã được chuyển thành tên lửa tấn công để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất”.

Đại diện Bộ này cho biết, một trong những tên lửa S-200 mà Ukraine phóng vào lãnh thổ Nga là nhằm vào cây cầu Crimea, nhưng tên lửa còn lại bay tới một sân bay quân sự ở khu vực Rostov.

Theo báo cáo của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga gửi Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov, 4 mục tiêu đạn đạo của Ukraine đã bị phá hủy vào ngày 9/7, hai tên lửa S-200 đã bị phá hủy bằng hệ thống phòng thủ, hai tên lửa tương tự khác đã bị tiêu diệt bằng phương tiện chiến tranh điện tử.

Ngoài ra, Tướng Gerasimov đã chỉ thị cho Tổng cục trưởng của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Nga, cũng như các quan chức khác xác định các địa điểm cất giữ và huấn luyện, cũng như các vị trí phóng tên lửa S-200 của Ukraine và vũ khí tấn công tương tự, đồng thời báo cáo thiệt hại hỏa lực phủ đầu của đối phương.

Tướng Gerasimov cũng ra lệnh thực hiện các biện pháp bổ sung để nâng cao khả năng bảo vệ các cơ sở trước các cuộc không kích trong thời gian ngắn nhất có thể.

Phía Ukraine chưa bình luận gì về tuyên bố của phía Nga.

Năm ngoái, cầu Crimea cũng là mục tiêu tấn công của Ukraine. Mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar đã thừa nhận rằng. chính quyền Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea hồi mùa thu năm 2022. Bà Maliar viết trên Telegram ngày 8/7: “Đã 273 ngày kể từ khi chúng tôi giáng đòn đầu tiên vào cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của người Nga”.

Vào ngày đó, chiếc xe tải chở bom đã nổ tung trên cây cầu dài 19 km nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar trên đất liền Nga, khiến 3 người thiệt mạng, một phần của đoạn cầu bị sập xuống biển. Khi đó, Ukraine từ chối nhận trách nhiệm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ đánh bom cầu Crimea là một cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Ngay sau vụ tấn công, nhà chức trách Nga đã công bố một loạt biện pháp khắc phục thiệt hại và đảm bảo ổn định giao thông giữa Crimea và vùng lãnh thổ Krasnodar. Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh để tăng cường an ninh cho giao thông đi qua eo biển Kerch, cũng như cơ sở hạ tầng điện và năng lượng trong khu vực.

Phía Nga cáo buộc Lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã ra lệnh, dàn dựng và thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea. Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Ukraine sau vụ tấn công cây cầu Crimea. Các cuộc tấn công đó nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng như các cơ quan chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc trên khắp nước này.

Ngay sau khi quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine lên tiếng thừa nhận Kiev đã thực hiện vụ đánh bom cây cầu Crimea hồi tháng 10/2022, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một phản ứng lên án vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại