Trong tuần qua, một động thái rất bất ngờ đã được Nga thực hiện, đó là triển khai hệ thống tên lửa phòng không lục quân tầm xa S-300V4 tại căn cứ hải quân Tartus ở Syria. Theo đánh giá, S-300V4 kết hợp cùng tổ hợp S-300F "Fort" trên tuần dương hạm Slava hoạt động ngoài khơi sẽ tạo ra lưới lửa cực kỳ lợi hại và không thể bị xuyên thủng.
Việc S-300V4 xuất hiện tại Syria ban đầu cũng gây ra không ít thắc mắc, nổi bật là câu hỏi tại sao không phải hệ thống S-400 "Triumf" đã trực chiến nhiều tháng qua tại căn cứ không quân Hmeymim? Tuy nhiên sau khi xem xét kỹ thì mọi việc đã dần sáng tỏ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumf" trực chiến tại căn cứ không quân Hmeymim, Syria
Chiến sự tại Syria thời gian gần đây diễn ra ngày một khốc liệt, dẫn tới với việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác giữa hai cường quốc Mỹ và Nga. Ngoài ra, nguy cơ Không quân Mỹ cùng đồng minh thực hiện các đòn tấn công trực tiếp vào Quân đội Syria bằng tên lửa hành trình hay thậm chí tên lửa đạn đạo là có thật, khiến Nga phải cấp tốc chuẩn bị phương án bảo vệ.
So với S-400 thì S-300V4 có năng lực đánh chặn tên lửa tốt hơn nhờ các loại khí tài chuyên dụng được thiết kế tối ưu hóa cho nhiệm vụ như radar cảnh giới tầm xa 9S15M Bill Board B, radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo 9S19M High Screen, radar điều khiển hỏa lực 9S32M Grill Screen cùng đạn tên lửa đánh chặn 9M82M/9M83M và loại mới có tầm bắn lên tới 400 km.
Các dòng đạn đánh chặn của S-300V như 9M82M có ưu thế rõ rệt về tốc độ khi vận tốc trung bình của nó đã bằng 85 - 90% vận tốc tối đa của tên lửa 48N6E2/E3 trang bị cho S-400, khả năng cao là tính năng trên vẫn được duy trì ở loại đạn mới của S-300V4 so với chủng 40N6.
Thời gian bay đến mục tiêu ngắn, động năng tiếp cận cao là lợi thế chiến thuật rất đáng kể, khi máy bay hay tên lửa đạn đạo đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng vệ hay né tránh.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất Almaz-Antey mới đây cho biết họ đã hoàn thành công tác chế tạo phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không lục quân tầm xa S-300V4 có tên định danh là "Antey-4000". Như vậy hành động đưa S-300V4 sang Syria còn nhằm mục đích quảng cáo tính năng vũ khí nhằm tìm kiếm hợp đồng từ các đối tác nước ngoài.
Một phiên bản S-300V4 sử dụng khung gầm xe bánh hơi thay vì bánh xích truyền thống
Hiện nay mặc dù S-400 đang được tích cực chào bán nhưng mới chỉ có Trung Quốc tuyên bố đặt mua với số lượng 6 tiểu đoàn, những đối tác tiềm năng khác như Ấn Độ hay một vài quốc gia Đông Nam Á mới chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, rất có thể họ e ngại bị "đụng hàng" với Bắc Kinh, không bảo đảm được tính bí mật khi tác chiến.
Trước sự lưỡng lự của khách hàng, nếu sắp tới Nga đề nghị bán "Antey-4000" thay vì S-400 thì mọi việc rất có thể sẽ khác, những nước trên sẽ có trong tay một tổ hợp phòng không tầm xa vô cùng tiên tiến với nhiều tính năng vượt trội, tuy rằng đơn giá hơi cao nhưng là "đắt xắt ra miếng".
Trong trường hợp diễn biến đúng như nhận định đã nêu ở trên, việc bỏ qua S-400 "Triumf" để tiến thẳng lên S-300V4 "Antey-4000" có thể xem như một quyết định sáng suốt, giúp tạo lập ưu thế về chất lượng trước số lượng hùng hậu của đối thủ tiềm năng. Đây đúng là hành động không ngoan của cả người mua lẫn người bán!