Từ những "kho vàng của quân Nhật"...
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin ông H.P.T. (42 tuổi, trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) gửi đơn cho UBND tỉnh Bình Thuận cùng ngành chức năng xin khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty (chảy qua TP Phan Thiết) và cam kết ký quỹ 500 triệu đồng khắc phục môi trường trong quá trình thực hiện.
"Ông tổ gia đình tôi đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty. Do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Chỉ truyền đến đời tôi, hiện giờ tôi biết được địa điểm mà thôi", báo Thanh Niên trích dẫn nội dung đơn của ông T.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho báo chí hay hiện đã nhận được đơn của ông T. và có văn bản phản hồi, hướng dẫn về việc xin khai thác "kho báu" như trình bày. Theo đó, ông T. được đề nghị cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh... chứng minh về nơi chôn giấu vật quý; tổ chức lập phương án thăm dò; ký quỹ cam kết khắc phục môi trường...
Sau đó, ông T. phải gửi các nội dung trên về sở để kiểm tra đối chiếu. Nếu đảm bảo các điều kiện, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án theo quy định.
Nhiều năm trước, cũng tại Bình Thuận, đã từng có một cụ ông dành hàng chục năm theo tìm kiếm cái mà cụ gọi là "kho báu núi Tàu" chứa đến 4.000 tấn vàng, mà theo cụ, cũng là do "quân đội Nhật chôn giấu" từ thời Thế chiến II. Tuy nhiên, sau thời gian dài tìm kiếm, cụ ông này đã qua đời mà vẫn không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của "kho báu".
... Đến những kho báu thực sự của Bình Thuận
Cho đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy "kho báu 4.000 tấn vàng" trên núi Tàu, hay "kho báu 3 tấn vàng" dưới đáy sông Cà Ty là tồn tại. Nhưng Bình Thuận có những "kho báu" thực sự khác do thiên nhiên ban tặng.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, tỉnh này có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn.
Đặc biệt có zircon 4 triệu tấn, dẫn đầu cả nước về trữ lượng khoáng sản này. Theo Wikipedia, màu sắc tự nhiên của zircon đa dạng từ không màu, vàng kim, đỏ, nâu, xanh, và xanh lá. Mẫu vật không màu có giá trị như đá quý được sử dụng rộng rãi thay thế cho kim cương, các mẫu vật này còn được gọi là "kim cương Matura".
Còn theo Tạp chí phân tích Hóa, Lý và Sinh học, Bình Thuận là nơi có trữ lượng cát đỏ rất lớn, chứa khoảng 557,5 triệu tấn khoáng sản titan-zircon, chiếm trên 92% tổng sản lượng khoáng sản Titan-Zircon của cả nước (557,5/664 triệu tấn).
Hiện tỉnh này có dự án Nhà máy nghiền zircon siêu mịn Sông Bình (quy mô công suất 35.000 tấn/năm) triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất. Theo đó, quặng thô chứa titan – zircon được đưa đến nhà máy tuyển tách thành các tinh quặng Ilmenite, tinh quặng zircon… bằng phương pháp vật lý.
Sản phẩm cuối là bột zircon siêu mịn. Đây là một nguyên liệu thô trong men gốm để tăng độ trong suốt của chúng hoặc trong các chế phẩm frit được sử dụng để sản xuất men bóng, mờ, trắng. Khi được sử dụng trong men, zircon tăng cường khả năng chống mài mòn và sự tấn công của hóa chất.
Trên thế giới, zircon được sử dụng như đá quý, đại diện cho sự giàu sang, danh dự và trí tuệ. Chúng đến từ các mỏ ở Úc, Nga, Ý, Na Uy, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...
Cạnh đó, Bình Thuận còn có hơn 10 mỏ nước khoáng trữ lượng cao, chất lượng tốt (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700 độ C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm. Trong đó, 2 mỏ đang được khai thác và kinh doanh đó là Vĩnh Hảo và Đa Kai.
Cát thủy tinh với 4 mỏ ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân với trữ lượng trên 500 triệu m3, chất lượng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, phù hợp để sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thủy tinh.
Đá granite cũng có trữ lượng rất lớn tại Bình Thuận, phân bố khắp nơi. Sét bentonite dùng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, trữ lượng khoảng 20 triệu tấn.
Quặng sa khoáng nặng để sản xuất titan, zircon, trữ lượng khoảng một triệu tấn. Tại Vĩnh Hảo có diện tích trên 1.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm.