Các tổ chức môi trường quốc tế từ rất lâu đã cảnh báo về tác hại của biến đổi khí hậu là như thế nào. Tuy nhiên, có vẻ như ảnh hưởng từ hiện tượng này vẫn đang bị đánh giá quá thấp. Bởi vì, mới đây một chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu đã đưa ra kết luận rằng: Nhiệt độ Trái đất đã vượt quá ngưỡng phục hồi!
Cụ thể, tiến sĩ Thomas Crowther thuộc Viện nghiên cứu năng lượng và khí hậu Yale (Mỹ) cho rằng nhân loại đã không tính đến một nguồn sản sinh carbon cực kỳ lớn khi đánh giá tốc độ biến đổi khí hậu. Đó là trong lòng đất.
Lòng đất cũng là nơi chứa carbon
"Cũng không sai nếu cho rằng chúng ta đã vượt quá ngưỡng phục hồi đối với việc Trái đất nóng lên. Dù có thể hãm lại, chúng ta cũng không thể đảo ngược quá trình này nữa. Tốc độ biến đổi khí hậu lớn hơn những gì nhân loại đang nhầm tưởng" - Crowther cho biết.
Nghiên cứu của ông (công bố trên tạp chí Nature) đã thu thập số liệu trong vòng 20 năm tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Kết quả cho thấy phần lớn carbon được trữ ngay trong đất, và chính chúng là thủ phạm khiến khí hậu ấm lên. Có điều, nguồn carbon này đã bị bỏ qua bấy lâu nay.
Khí hậu ấm lên, băng sẽ tan, mực nước biển dâng cao
Theo đó, trong lòng đất đang chứa khoảng 55 tỉ tấn carbon, và tất cả sẽ được giải phóng dần dần vào khí quyển cho đến năm 2050. Lượng khí này có thể khiến nhiệt độ Trái đất nóng lên khoảng 5 độ C - tức vượt quá khả năng phục hồi.
Crowther cho biết: "Khí hậu ấm lên, sinh vật trong đất hoạt động mạnh hơn. Chúng hoạt động càng mạnh, đất càng phải "thở" mạnh - giống y như cách con người tồn tại".
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng quá trình này đã xảy ra, và sẽ có tác động nghiêm trọng đến khí hậu trong vài thập kỷ tiếp theo". Kết quả nghiên cứu này có thể cảnh tỉnh, giúp con người hiểu hơn về sự thay đổi của khí hậu trong tương lai, và đưa ra hướng để kìm hãm chúng.
Ông chia sẻ thêm: "Biến đổi khí hậu có thể làm nước biển dâng lên, và quá trình này sẽ làm hại nhiều hệ sinh thái, cũng như hủy diệt nhiều vùng đất sống".
"Đó sẽ là một thảm họa dành cho loài người" - ông kết luận.
Giáo sư Ivan Janssens thuộc ĐH Antwerp (Bỉ) - người có thể coi là cha đẻ của ngành nghiên cứu sinh thái toàn cầu - cũng cho rằng nghiên cứu này cung cấp đủ những thông tin quan trọng.
"Nghiên cứu này rất quan trọng, vì tác động của carbon trữ trong đất đến khí hậu là một trong những biến số khá lớn trong mô hình của chúng tôi" - giáo sư Janssens trả lời.
Tuy vậy, giáo sư vẫn rất lạc quan và tin rằng mọi chuyện chưa chắc đã trễ. Có điều, chúng ta, hay cụ thể là cả nhân loại cần nhanh chóng xây dựng nền kinh tế toàn cầu dựa trên nhiên liệu thay thế được. Đồng thời, ta nên tìm cách tận dụng CO2, thay vì thải chúng ra môi trường.
Nguồn: Independent