Chàng trai dân tộc Nùng vượt khó
Mặc dù sinh sống ở vùng đất khó nhưng anh nông dân 8X này luôn có tư duy năng động, sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm".
Không chỉ mong muốn bản thân thoát nghèo mà anh Hoàn mong muốn giúp người dân vùng cao thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương từ mô hình trồng dâu nuôi tằm.
Xuất phát từ chủ trương hợp tác quốc tế về trồng dâu nuôi tằm giữa huyện Bảo Lạc với huyện Nà Po, Quảng Tây (Trung Quốc), năm 2012 Nà Po hỗ trợ kinh phí cho 5 nông dân ở Bảo Lạc sang học tập kinh nghiệm tại Trung Quốc. Sau đó, 11 hộ dân xóm Phiêng Mòn tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm.
"Đi một ngày đàng học một sàng khôn", anh Hoàn nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Hoàn sang tận nơi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và năm 2013 chính thức đầu tư mua 25.000 hom giống dâu về trồng trên 0,75 ha đất canh tác của gia đình.
Quyết tâm cháy bỏng khiến anh Hoàn quyết thực hiện bằng được, anh sang Trung Quốc mua giống tằm về nuôi. Dù có ý chí nhưng lần đầu khởi nghiệp may mắn không mỉn cười khi 8 lứa tằm ban đầu, chỉ thu hoạch được 2 lứa hơn 140 kg kén; 6 lứa tằm sau do không có kinh nghiệm, tằm bị bệnh nên không cho thu hoạch.
Năm đầu tuy thất bại nhưng tiền bán 140 kg kén sau khi trừ chi phí đầu tư cho thu nhập 15 triệu đồng nên anh quyết tâm sang Trung Quốc mời chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật TDNT. Năm 2015, anh nuôi được 12 lứa tằm, trừ chi phí cho thu nhập 120 triệu đồng. Những năm sau đó, mỗi năm anh nuôi 2 vụ, 10 - 12 lứa tằm, bình quân đạt 70 kg kén/lứa, cao đến 80 - 90 kg kén/lứa.
Anh nông dân Nông Văn Hoàn chia sẻ với báo Cao Bằng về hành trình gian nan khởi nghiệp của mình: Quy trình kỹ thuật bảo quản trứng giống tằm chỉ cho phép từ khi trứng bắt đầu xuất khỏi kho lạnh ở Trung Quốc về đến các tỉnh của Việt Nam trong vòng 5 - 7 ngày là nở nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tằm con, việc sản xuất phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc.
Nổi bật, trứng giống tằm chưa được thực hiện chính ngạch nên có nhiều rủi ro, nhất là việc trứng giống về đến biên giới thì bị chất đống, không được bảo quản theo đúng quy trình nên bị bể dập, hư hại rất nhiều.
Theo anh nông dân 8X này nguồn giống quyết định chính trong việc trồng dâu nuôi tằm. Trường hợp độ nở của trứng không đạt sẽ ảnh hưởng đến 70% hiệu quả sản xuất. Hơn nữa người dân tại huyện Bảo Lạc là người dân tộc thiểu số, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, hầu hết vẫn nuôi tằm theo phương pháp truyền thống nên tằm bị chết nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng kén, dẫn đến người dân không còn mặn mà với nghề trồng dâu nuôi tằm.
Nông dân Nông Văn Hoàn sau khi quyết khởi nghiệp với nghề trồng dâu nuôi tằm nhận thấy nhiều diện tích dâu tằm tại huyện Bảo Lạc bị bỏ không, nghề trồng dâu nuôi tằm đứng trước nguy cơ mai một, năm 2023, anh Hoàn bắt tay vào nghiên cứu giải pháp xây dựng băng trứng tằm ươm giống tằm con và thiết kế sáng tạo nhà dụng cụ nuôi tằm lấy kén nhằm không phụ thuộc vào giống của Trung Quốc.
Để phát triển mô hình thành công, anh lặn lội vào thành phố Nha Trang, Khánh Hòa tham quan, học hỏi và nghiên cứu mua sắm thiết bị về tự chế sản phẩm khung gỗ né kén quay tự động, được bà con sử dụng hiệu quả.
Sau thời gian dài học hỏi và chịu khó làm cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năm 2023, sản lượng kén thu được bình quân 1.700 - 2.000 kg/ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt khoảng 185 - 250 triệu đồng/ha/năm (giá kén bình quân 185 - 195 nghìn đồng/kg). Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm lãi gấp 17,8 lần so với trồng ngô và gấp 23,6 lần so với trồng lúa.
Từ đôi bàn tay trắng đến doanh thu 45 tỷ đồng
Với quyết tâm làm giàu bằng được, anh Hoàn đã tất tay đầu tư. Cụ thể, năm 2019, anh Hoàn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 118 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, chuyên cung cấp giống cây con và thu mua, bao tiêu kén tằm, đồng thời HTX ươm giống tằm cung cấp cho bà con và trực tiếp trồng dâu nuôi tằm. Ban đầu chỉ có 7 thành viên, đến nay HTX phát triển lên 9 thành viên.
Sau thời gian dài khởi nghiệp đến nay, HTX mở rộng diện tích vườn ươm giống cây dâu lên 3 ha với 9 triệu cây; ươm giống tằm con khoảng 7.000 hộp, cung ứng cho khoảng 600 hộ.
Về sản lượng kén HTX bao tiêu năm 2022 khoảng 160 tấn kén; năm 2023 HTX bao tiêu 240 tấn kén; 7 tháng đầu năm 2024 thu được khoảng 130 tấn kén với giá bình quân 190 nghìn đồng/kg. Tổng doanh thu xuất bán kén tằm khoảng 100,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đạt doanh thu hơn 167,8 triệu đồng.
Đáng chú ý tổng doanh thu của HTX 45 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1,8 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động thuộc hộ nghèo, thu nhập bình quân của người lao động 70 triệu đồng/năm và đóng bảo hiểm xã hội cho 4 thành viên trong HTX; nộp thuế và đóng góp các phúc lợi xã hội trên 150 triệu đồng/năm.
Với những đóng góp không nhỏ của anh Hoàn cho kinh tế địa phương năm 2024, anh Hoàn là người duy nhất của tỉnh vinh dự được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng dâu tằm hiện nay manh mún, phát triển chưa theo quy hoạch, thiếu khoa học; các cơ sở sản xuất chủ yếu quan tâm đến sản phẩm kén, ít chú trọng đến đầu tư thâm canh sản xuất dâu và kỹ thuật nuôi tằm. Người nông dân sản xuất chạy theo phong trào, khi giá tơ kén cao mở rộng diện tích, khi giá xuống lại chuyển đổi sang các cây trồng khác…
Thông tin trên báo Nhân Dân, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian tới các địa phương cần quan tâm đầu tư có trọng điểm vào vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ và công nghệ sản xuất vải lụa, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến tơ tằm tiên tiến, xây dựng liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ và chuyển giao công nghệ trong chuỗi. Trên cơ sở đó, các tỉnh có vùng nguyên liệu sản xuất tơ tằm hiện có cần tập trung xây dựng các mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tơ tằm, bảo đảm sự ổn định, đủ nguyên liệu tơ tằm cho sản xuất lụa và xuất khẩu.