Virus Sars-CoV-2 chủ yếu thích phổi?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, Sars-CoV-2 là một loại betacorona virus, lây truyền từ động vật qua người.
Đây không phải là một loại cúm thông thường. Tất cả các tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể đều có thời gian ủ bệnh, sinh sôi cho đến đủ số lượng và tương tác với cơ thể gây ra các triệu chứng. Thường trong giai đoạn ủ bệnh là giai đoạn virus tăng cao nên khả năng lây lan cao.
Bệnh nhân có thể có triệu chứng như sốt, ho, rồi tiếp tục tiến triển thành viêm phổi hoặc nặng hơn.
Bệnh nhân Covid-19 bị tổn thương phổi nặng nề
Sau dịch SARS, MersCoV, Tổ chức y tế thế giới (WHO) quan sát thấy căn bệnh này thường tấn công phổi theo 3 giai đoạn: Đầu tiên là xâm nhập tế bào, hình thành nên ổ virus; tiếp theo là gây rối loạn hệ miễn dịch (ví dụ hội chứng bão cytokine); và cuối cùng là gây tổn thương phổi và có thể tử vong do suy hô hấp.
TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Hoa Kỳ cho biết, hiện nay hầu hết người nhiễm virus Sars-CoV-2 được cho là từ đường hô hấp. Virus này xâm nhập vào mũi và cổ họng vì các tế bào ở nơi đây có nhiều thụ thể trên bề mặt tế bào có tên gọi là ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2, enzyme chuyển đổi angiotensin 2).
Virus Sars-CoV-2 sử dụng protein bề mặt của nó để gắn kết với những thụ thể ACE2 này như cách mà chìa khóa tra vào ổ khóa để mở cửa vào nhà, xâm nhập vào bên trong tế bào vật chủ.
Khi vào bên trong, virus chiếm quyền điều khiển của tế bào, sử dụng các vật liệu sẵn có trong tế bào để tạo ra vô số các bản sao của chính nó và xâm chiếm các tế bào mới.
Sars-CoV-2 tấn công phổi như thế nào?
Trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm, virus thường nhân bản lên rất nhiều và người bệnh có thể tiết ra vô số các bản sao của nó từ các dịch của đường hô hấp, như các hạt nước bắn ra từ việc ho, hắt xì hoặc thậm chí thở, nói chuyện bình thường (đây là lý do mà chúng ta phải sử dụng khẩu trang trong mùa dịch này để bảo vệ người khác và chính mình).
Các triệu chứng có thể có trong thời điểm này là sốt, ho khan, đau họng, mất mùi và vị, hoặc đau đầu và đau cơ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp cũng cho thấy người bệnh không có triệu chứng biểu hiện.
Các bác sĩ tập trung nghiên cứu tìm hiểu về virus gây bệnh Covid-19
Nếu hệ thống miễn dịch không đánh bại được Sars-CoV-2 trong giai đoạn ban đầu này, thì virus sẽ di chuyển xuống khí quản, nơi có các nhánh mỏng hơn, sâu hơn của hệ hô hấp là phổi, kết thúc là các túi khí nhỏ gọi là phế nang, mỗi nhánh được lót bởi một lớp tế bào cũng rất giàu thụ thể ACE2.
Trong giai đoạn này virus có thể gây các thiệt hại nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến chết người.
Với chức năng thông thường của phổi, oxy đi qua phế nang vào các mao mạch, sau đó oxy được đưa đến phần còn lại của cơ thể. Nhưng khi hệ thống miễn dịch chiến đấu với virus Sars-CoV-2, chính trận chiến này đã làm hư hại hệ thống vận chuyển oxy này.
Các tế bào bạch cầu tiền tuyến nhận biết sự hiện diện của kẻ xâm lược đã giải phóng các phân tử gọi là chemokine, để triệu tập thêm các tế bào miễn dịch khác hỗ trợ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus.
Cuộc chiến của các tế bào miễn dịch tiết ra rất nhiều phân tử cytokine gây viêm (hay còn gọi là cơn bão cytokine) để lại một vô vàn các chất lỏng và tế bào chết, thứ dịch mà chúng ta hay gọi thông thường là "mủ".
Sự tích tụ mủ trong phổi gây nên bệnh lý cơ bản của viêm phổi, với các triệu chứng tương ứng như ho, sốt, thở gấp, thở cạn. Do vậy, việc cung cấp oxy trong những trường hợp chuyển biến xấu như vậy là rất quan trọng và cho thấy nhiều bệnh nhân khỏi bệnh chỉ nhờ vào sự trợ thở (chứ không phải thuốc).